Điển hình như quả vải, bên cạnh những chuỗi sản xuất đã được hình thành từ những vụ vải trước, từ rất sớm, Bắc Giang, Hải Dương đã mời gọi các doanh nghiệp xuất khẩu, chuỗi cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp thu mua, chế biến... đến thăm vùng sản xuất, bàn biện pháp hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ vải.
Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, địa phương đã mở rộng thêm 5 vùng sản xuất VietGAP, 6 vùng sản xuất GlobalGAP, đưa tổng số vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP lên 41 vùng với tổng diện tích là 500 ha; GlobalGAP lên 11 vùng với tổng diện tích 110 ha. Ngoài ra, tỉnh còn có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.
Các vùng sản xuất thường xuyên được lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả vải nhằm kiểm tra, đánh giá chất lượng...
Năm 2022, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương giữ ổn định gần 9.000 ha, tổng sản lượng vải dự kiến khoảng 60.000 tấn. Trong số đó, trà vải chính vụ và muộn trên 6.200 ha, thu hoạch khoảng 10/6, thu rộ từ 15/6, dự kiến sản lượng khoảng 25.000 tấn.
Cùng với Hải Dương, “thủ phủ” vải thiều Bắc Giang năm nay ước đạt 180.000 tấn; trong đó, vải thiều chính vụ khoảng 21.250 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 đến ngày 25/7.
Với sản lượng vải thiều lớn, mang tính vụ mùa cao, chính vì vậy để việc tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2022, dự kiến tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước khoảng 108.000 tấn, chiếm tỷ lệ 60%; xuất khẩu khoảng 72.000 tấn, chiếm tỷ lệ 40%.
Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: MM Mega Market, GO!, Co.opmart...; các chợ đầu mối hoa quả ở thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Đồng thời, Bắc Giang mở rộng, phát triển các thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và trong cả nước.
Về xuất khẩu, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore....; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, khu vực: Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Vừa xuất khẩu được một số ít của trà vải sớm, bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đang chuẩn bị tập trung vào xuất khẩu vụ vải chính vụ và khoảng từ ngày 17/6 mới thu hoạch. Thị trường chính của doanh nghiệp vẫn là sang Nhật Bản, châu Âu, Australia. Năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu vải sang thêm các thị trường mới như: Singapore, Thái Lan… Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay từ 30-50% so với năm ngoái.
Hiện quả vải xuất khẩu sang Nhật Bản đang phải bị kiểm dịch 100% nên các lô hàng sẽ bị giữ lại từ 3-5 ngày để kiểm tra lại các dư lượng, nếu đạt yêu cầu thì mới được thông quan. Bà Ngô Thị Thu Hồng cho biết, đến nay, 100% số lô hàng của doanh nghiệp đều đạt tiêu chuẩn và thông quan thành công. Vì doanh nghiệp đã có quy hoạch vùng nguyên liệu từ sớm, xây dựng hợp tác xã tổ chức sản xuất, quá trình trồng, chăm sóc được doanh nghiệp giám sát chặt chẽ nên đảm bảo chất lượng từ vùng nguyên liệu.
Từ một vài doanh nghiệp xuất khẩu không tuân thủ nghiêm túc các quy định trong sản xuất, kiểm soát tốt các dư lượng tối đa cho phép nên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu chuẩn chỉ, bà Ngô Thị Thu Hồng cho rằng, các doanh nghiệp cần tự giác tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ nguồn nguyên liệu của mình.
“Nếu các doanh nghiệp không xây dựng vùng nguyên liệu mà đến thời điểm xuất hàng mới đi tìm mua thì sẽ rất dễ bị rủi ro, nguy cơ không đảm bảo chất lượng rất cao”, bà Ngô Thị Thu Hồng chia sẻ.
Hay với thị trường Trung Quốc, giờ đây khi phải thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249, hàng hóa nông sản xuất khẩu vào thị trường này cũng đòi hỏi sự khắt khe về vùng trồng, chất lượng và đặc biệt còn phải “Zero COVID”. Thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu; trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Theo ông Lê Thanh Tùng, tình hình kiểm soát chặt dịch COVID-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến xuất khẩu. Yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các đơn vị chức năng đã thống nhất phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của vụ 2022 trong điều kiện dịch COVID-19. Đồng thời, theo dõi tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng mặt hàng chuối đã biểu hiện bước phát triển vượt bậc. Trong 5 tháng 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%. Trong thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định Trung Quốc là một thị trường quan trọng. Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng. Trong bối cảnh nếu Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “Zero COVID”, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha), cho 12 loại quả tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo. Về mã số cơ sở đóng gói, cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…