Hội nghị thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội viên nông dân đại diện cho bên cung ứng và các doanh nghiệp thu mua, siêu thị, chợ đầu mối đại diện cho bên kinh doanh, phân phối, tiêu thụ; các sàn thương mại điện tử tham gia.
Bình Phước là một tỉnh có thế mạnh phát triển về nông nghiệp và các sản phẩm cây công nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây sản lượng và chất lượng trái cây của tỉnh cũng phát triển khá tốt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 151.000 ha cây điều, sản lượng trên 150 nghìn tấn/năm; 15.720 ha cây tiêu, sản lượng 28.723 tấn/năm. Tổng diện tích cây ăn trái là 12.062 ha, với tổng sản lượng gần: 64.000 tấn/ năm với rất nhiều loại như: quýt; xoài; chôm chôm; nhãn; mít; sầu riêng; bưởi; chuối…
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây của Bình Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới giá trị gia tăng không cao, thu nhập của nông dân còn bấp bênh theo mùa vụ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước Trương Tấn Nhất Linh cho biết, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây và hàng nông sản nhằm chia sẻ, cung cấp các thông tin về nhu cầu, định hướng thị trường, khả năng cung ứng, tiêu thụ giữa các đơn vị để gắn kết cung cầu, là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong tỉnh được gặp gỡ, kết nối tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm Bình Phước nhằm hướng đến sự hợp tác ổn định, lâu dài và bền vững.
Hội nghị đã chia sẻ, thảo luận sôi nổi từ phía các nông dân, các hợp tác xã cùng các đơn vị đối tác là hệ thống siêu thị, bách hóa xanh, các thương nhân, các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, hội nghị còn được lắng nghe những chia sẽ về kết nối cung cầu, giải bài toàn đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp, trái cây trong thời gian tới.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Nông cho rằng, hiện nay có rất nhiều sản phẩm cây ăn trái được được nhà nông trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, nhà nông mong muốn được hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp để tránh tình trạng sản phẩm làm ra qua tay nhiều thương lái dẫn đến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao khi đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp phải có chính sách xây dựng thương hiệu cho nông sản Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung.
Còn Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang Phạm Thanh Chung mong muốn các ngành chức năng quan tâm hơn hỗ trợ nhà nông xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến sâu…
Ngoài ra, tại hội nghị các nông hộ, hợp tác xã đã chia sẻ quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sâu đối với một số sản phẩm tiêu biểu của mình. Đồng thời, mong muốn được hỗ trợ kết nối xây dựng chuỗi liên kết để bao tiêu sản phẩm; có giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã chế biến sâu để nâng tầm giá trị cho sản phẩm.
Kết thúc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước Trương Tấn Nhất Linh mong muốn các đối tác luôn quan tâm thường xuyên trao đổi thông tin để sớm có những hợp đồng, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đồng thời các sở, ban ngành tham gia cùng chung tay, chung sức hỗ trợ bà con nông dân, các hợp tác xã Bình Phước phát triển sản xuất, trồng trọt ngày càng bền vững, phát triển mở rộng kết nối với nhiều bạn hàng đối tác trong thời gian tới.
Hội nghị có 70 cơ sở sản phẩm đăng ký kết nối tiêu thụ trái cây và hàng nông sản. Các bên liên quan đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác, thỏa thuận để đưa các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn trái của tỉnh lên sàn giao dịch điện tử.