Chủ động đăng ký bảo hộ khi hội nhập

Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, cũng là lúc làn sóng đầu tư và hàng hóa các nước vào Việt Nam ồ ạt, vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ “nóng” hơn bao giờ hết.

Doanh nghiệp còn thụ động, thờ ơ

Theo đánh giá của các chuyên gia, quyền SHTT ở Việt Nam bị xâm phạm ngày càng phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi chúng ta mở cửa hội nhập. Sẽ rất dễ dàng thấy các thương hiệu dệt may nổi tiếng của Việt Nam như: May 10, Thắng Lợi, Việt Tiến bị làm giả tràn lan, bán công khai trên thị trường với giá rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với hàng thật… Mới đây, Công ty CP Acecook Việt Nam (Vina Acecook) đã khởi kiện Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) vì sản phẩm “Mì Hảo Hạng, Tôm chua cay” của công ty này được làm nhái mẫu mã, bao bì sản phẩm “Hảo Hảo, mì tôm chua cay” của Acecook Việt Nam. Vina Acecook yêu cầu tòa án xác định hành vi sử dụng mẫu bao bì gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, Tôm chua cay” của Asia Foods là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay (được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360 của Acecook Việt Nam) và buộc chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại 817,5 triệu đồng…

Nếu DN không chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ chịu nhiều áp lực khi hội nhập ngày càng sâu rộng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng phòng Nhãn hiệu và Xử lý vi phạm, Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip - là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên thực hiện đăng ký quyền SHTT ở Việt Nam cho biết, ngoại trừ DN lớn có các cán bộ chuyên môn thực hiện vấn đề về SHTT thì đối với các DN nhỏ và vừa, vấn đề SHTT vẫn còn tương đối mới. Hầu hết các DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ cũng như là bảo vệ quyền SHTT của mình. “Khi tôi làm việc với các cơ quan SHTT ở địa phương, nhiều khi tìm một DN để thực hiện chương trình hỗ trợ cũng khó khăn. Lẽ ra DN phải chủ động tìm đến các cơ quan nhà nước về SHTT để tìm hiểu chương trình hỗ trợ và nhận hỗ trợ thì cơ quan nhà nước phải đi tìm DN để thực hiện chương trình hỗ trợ của Nhà nước”, ông Nguyễn Anh Ngọc cho hay.

Ông Quách Minh Trí, luật sư cao cấp của Công ty Luật Baker and Mckenzie Vietnam cũng cho rằng, nhận thức về pháp luật, đặc biệt là Luật SHTT của các DN còn kém. Thậm chí có DN còn không phân biệt được sự khác biệt giữa một nhãn hiệu với bản quyền kiểu dáng nên không biết áp dụng như thế nào cho đúng. Đôi khi nhiều DN Việt Nam vi phạm SHTT một cách vô tình. Thực tế đáng buồn là trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ có 20% là của doanh nghiệp Việt Nam và đa số nhãn hiệu đăng ký là của các doanh nghiệp tư nhân.

Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong các hiệp định thương mại như TPP, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), SHTT là một trong những chương lớn nhất với nhiều cam kết về tiêu chuẩn, thực thi SHTT. Những tiêu chuẩn này còn cao hơn tiêu chuẩn của WTO và cả pháp luật tại Việt Nam. Qua rà soát, pháp luật về SHTT tại Việt Nam gần như tương thích với các tiêu chuẩn trong các hiệp định thương mại. Các cam kết đòi hỏi rất cao trong việc yêu cầu bảo hộ “đầy đủ” và “hiệu quả”. “Do đó, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tập trung vào công tác thực thi trên thực tiễn để đảm bảo thi hành hiệu quả các nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam “đã tương thích”, bà Trang nhấn mạnh.

“Khi thực hiện các cam kết của các hiệp định như TPP, EVFTA, doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến đăng ký bảo hộ, thực hiện SHTT ở các quốc gia mà chúng ta có hiệp định tự do và trên thị trường thế giới”.

(Ông Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng phòng Nhãn hiệu và Xử lý vi phạm, Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip).

Ông Quách Minh Trí cho rằng, Việt Nam đã xác lập được quyền SHTT nhưng hệ thống thực thi quyền SHTT còn yếu kém. Nhiều trường hợp tranh chấp giữa các DN về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp lại không có tòa án chuyên ngành để thụ lý, giải quyết. Trong khi đó, các tòa án dân sự lại không có các thẩm phán về SHTT nên chưa xử được các vụ tranh chấp. Các vi phạm SHTT tại Việt Nam vẫn đang được xử lý bằng xử phạt hành chính, mức cao nhất với DN là 500 triệu đồng, cá nhân 250 triệu đồng nhưng có rất nhiều trường hợp phạt xong lại vi phạm tiếp. Nhưng khi Việt Nam tham gia TPP, các vi phạm sẽ được xử lý hình sự.

Theo các chuyên gia, DN cần nâng cao nhận thức về SHTT, hiểu rõ về quyền SHTT giúp DN có thể khai thác tối đa những lợi ích mà SHTT mang lại. DN phải chủ động thay đổi, làm chủ công nghệ trong sản xuất để làm chủ khi tham gia các sân chơi quốc tế.

Thu Trang
Doanh nghiệp phải chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ
Doanh nghiệp phải chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ quan tâm đến việc sáng tạo sản phẩm mới hoặc tập trung vào khâu tiêu thụ mà không quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đó. Khi có sản phẩm nhái xuất hiện, quyền lợi của doanh nghiệp sẽ không được bảo đảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN