Đảo Cái Bầu - đảo trung tâm của huyện Vân Đồn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Bởi theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành, việc thắng thua của các đặc khu nằm ở nhà đầu tư chiến lược. Đó là nhân tố chủ đạo trong hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, đi tiên phong, định hình những ngành nghề mũi nhọn, tạo ra cơ hội phát triển mới.
Chạy đua cùng Tập đoàn Sun Group, hiện tại Tập đoàn FLC cũng đang nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại Đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Theo đó, dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục như: Khu nghỉ dưỡng resort, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, casino, sân golf, vườn thú safari, bảo tàng, khu làng nông nghiệp cộng đồng, thư viện… Tổng mức đầu tư dự án (bao gồm 2 khu tại đảo Ngọc Vừng và đảo Vạn Cảnh) dự kiến khoảng 2 tỷ USD trên tổng diện tích 4.000 ha.
Để trở thành một điểm nhấn trong bản đồ du lịch trên đảo Ngọc Vừng, FLC đề nghị được hỗ trợ quy hoạch, xây dựng khu vực dân cư sinh sống trên đảo thành một khu dân cư văn minh kiểu mới.
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn FLC cũng mong muốn Nhà nước sẽ có những điều chỉnh luật phù hợp, với bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xóa bỏ hạn chế đầu tư kinh doanh, ưu đãi thuế, phí…để có được những ưu đãi cơ bản của các đặc khu kinh tế khác trên thế giới, đồng thời có thêm nhiều chính sách khác biệt, hấp dẫn nhằm tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ hơn.
Liên quan đến ngành dịch vụ, du lịch, FLC mong muốn nhiều dự thảo có thể chính thức có hiệu lực và được đưa vào áp dụng. Cụ thể như nâng mức giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan; miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Mặt khác, áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Macao trong việc thu hút người nước ngoài chơi casino. Điều này sẽ giúp gia tăng một lượng lớn khách du lịch đến với địa phương, góp phần tạo ra giá trị kinh tế lớn.
Bên cạnh những Tập đoàn lớn, Công ty cổ phần Cát Vân Hải (Tổng Công ty Viglacera) cũng đang là chủ đầu tư dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Villas với quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao với tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2018.
Ông Hoàng Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Cát Vân Hải cho hay, cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đất đai vượt trội, cộng với thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện sẽ mở lối để thu hút các nhà đầu tư lớn đến Vân Đồn tìm cơ hội làm ăn.
Cùng quan điểm này, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Mai Quyền chia sẻ, cần có thêm cơ chế chính sách đặc biệt cho Vân Đồn theo hướng có lợi tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh so với quốc tế.
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Mai Quyền và đối tác đang thực hiện dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn gồm 9 phân khu chức năng (phân kỳ 1) với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2018.
Nhận định từ chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho thấy, việc xây dựng mô hình “đặc khu” Việt Nam đi sau nên phải nghiên cứu những thành công và cả những thất bại để tìm ra cái vượt trội, chứ không chỉ ở mức có thể cạnh tranh.
Theo Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên, việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và xu hướng quốc tế với nguyên tắc tuân thủ pháp luật, quy định rõ ràng, đơn giản, áp dụng hiệu quả.
Các cơ chế chính sách cho Vân Đồn được xây dựng theo phân lớp ngành nghề dựa trên kết quả phân tích chuỗi giá trị, từ đó xác định các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, có ảnh hưởng lan tỏa đến sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề khác để tập trung khuyến khích phát triển, có ưu đãi đặc thù cho nhà đầu tư chiến lược.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh cho biết, năm 2018, dự kiến các nhà đầu tư sẽ khởi công chuỗi các tổ hợp du lịch dịch vụ quy mô lớn, đẳng cấp cao với tổng số vốn đầu tư lên tới 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) tại huyện đảo Vân Đồn.
Đó là các dự án: Tổ hợp du lịch Sonasea Dragon Bay có các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng của Tập đoàn CEO Group; dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Villas do Công ty cổ phần Cát Vân Hải; dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC nghiên cứu, tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng; dự án đầu tư Khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng do Tổng Công ty MBland thực hiện.
Quảng Ninh kỳ vọng các đề xuất về cơ chế, chính sách vượt trội cho “đặc khu” sẽ được Trung ương thông qua, tạo ra làn gió mới đầu tư vào Vân Đồn để tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng thành công đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai không xa.