Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời gian dài (khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2022). Tuy nhiên, để phát triển tương xứng với quy mô và lợi thế sẵn có, cần thiết phải có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm huy động nguồn lực đưa kinh tế - xã hội của vùng lên một vị thế mới.
Theo TS Nguyễn Thanh Nga, đã có một số nhóm giải pháp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển Vùng KTTĐ miền Trung gồm: Giải pháp về huy động nguồn lực tài chính và giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng.
“Cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, qua đó giải quyết những nút thắt, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Vùng KTTĐ miền Trung nói riêng; hoàn thiện chính sách thu gắn với cấu lại thu ngân sách Nhà nước (NSNN) theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỷ trọng thu nội địa, khai thác tốt thu thuế từ tài nguyên đi cùng với công tác bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Thanh Nga cho biết.
Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, phí theo hướng thu hẹp lĩnh vực ưu đãi nhưng tập trung và có mức ưu đãi cho doanh nghiệp, dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn của Vùng; tiếp tục rà soát lại các ưu đãi về thuế, phí, tín dụng để khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời thu hút các dự án đầu tư ở các lĩnh vực là thế mạnh của vùng (công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ...).
Đối với nhóm giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển Vùng KTTĐ miền Trung, TS Nguyễn Thanh Nga đề xuất: Cần tiếp tục nghiên cứu ban hành định mức phân bổ ngân sách (bao gồm định mức chi đầu tư và chi thường xuyên) đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ.
Tập trung nguồn vốn NSNN đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá các lĩnh vực (giáo dục, đào tạo, y tế,...) ở các địa bàn có lợi thế, dành phần kinh phí NSNN hỗ trợ cho các vùng nghèo, khó khăn; khuyến khích việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển sự nghiệp công; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn của các địa phương, đảm bảo các chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với người dân đầy đủ, kịp thời, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả.
Cần đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài NSNN. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong lập và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm yêu cầu phát triển, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung.
Tăng cường các biện pháp quản lý các nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách; kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách. Tiếp tục cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, giảm chi thường xuyên.
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, Vùng KTTĐ miền Trung đã đạt được một số thành tựu phát triển nhất định. Tuy vậy, vùng chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác, đóng góp vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, năng lực nội sinh còn yếu nên chưa thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực.
Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP/người, mật độ kinh tế và năng suất lao động thấp (dân số chiếm 6,7%, chỉ đóng góp 5,63% GDP cả nước, thấp hơn Vùng KTTĐ Bắc Bộ và Nam Bộ, GRDP/người năm 2022 đạt 81 triệu đồng, thấp hơn mức trung bình cả nước là 95,6 triệu đồng). Mật độ kinh tế thấp nhất trong các Vùng KTTĐ; năng suất lao động thấp hơn trung bình cả nước và thấp hơn Vùng KTTĐ phía Bắc và phía Nam...
Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Du lịch, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng (sản phẩm, dịch vụ thiếu đa dạng, sức cạnh tranh thấp; thiếu dự án quy mô lớn; tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp còn thấp…); quy mô, năng lực doanh nghiệp còn nhỏ.
Để Vùng KTTĐ miền Trung thực sự "cất cánh", theo TS Cấn Văn Lực, cần thực hiện hiệu quả 10 nhóm giải pháp chính, trong đó có một số giải pháp đột phá. Trong đó, cần phân lại, mở rộng Vùng KTTĐ Miền Trung (bổ sung thêm một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm lực kinh tế mạnh; số lượng 7 - 9 tỉnh); xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng KTTĐ miền Trung, hay thế quy hoạch năm 2014; thống nhất với Quy hoạch phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tầm nhìn 2045, như tại NQ26/NQ-TW ngày 3/11/2022; phù hợp với quy hoạch từng tỉnh; hệ thống chỉ tiêu khoa học, phù hợp với thực tiễn trên cơ sở tư vấn của Hội đồng vùng.
“Kinh tế biển cộng công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo cộng nông nghiệp sinh thái là động lực tăng trưởng; cân bằng 3 yếu tố: Kinh tế - xã hội, văn hóa - môi trường; tiên phong tăng trưởng xanh; đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù (tạo nguồn thu để lại cho ngân sách địa phương, tỷ lệ điều tiết về Trung ương; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa); thí điểm hình thức thu hút đầu tư, kinh doanh mới; tiếp tục tạo cơ chế và môi trường hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, quốc tế. Đồng thời, chú trọng hơn khâu thực thi, trong đó cần có sự phối kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.