Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ mới đã và đang triển khai được dự báo có thể ảnh hưởng đến hoạt động thu ngân sách trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện trên 88.044 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, có một số khoản thu đạt trên 25% dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số thuế thu nhập cá nhân trong 2 tháng đạt 11.016 tỷ đồng, tăng 16,61% so với cùng kỳ, nhờ thị trường bất động sản từ đầu năm có dấu hiệu ấm dần; hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư sôi nổi, tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, người dân tận dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhu cầu sở hữu ô tô trước tết tăng cao. Số thu lệ phí trước bạ theo đó cũng ghi nhận tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.420 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân sách thành phố trong 2 tháng đầu năm nay cũng ghi nhận một số khoản thu phát sinh thu đột biến. Chẳng hạn, tiền sử dụng đất đạt 8.884 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái do các công ty thực hiện nộp tiền sử dụng đất 1 lần ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, khoản thu ngân sách khác ghi nhận hơn 915 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ phát sinh khoản thu đặt cọc 658 tỷ đồng trong cuộc đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
“Để đạt được những con số trên, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khắc phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển”, bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết.
Dù ghi nhận những kết quả khả quan, song lãnh đạo ngành tài chính thành phố cũng đánh giá hoạt động thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong thời gian tới.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, số thu nội địa trên địa bàn có thể bị ảnh hưởng đáng kể, do một số chính sách tài khóa lớn hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi mới có hiệu lực.
Cụ thể, Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15; trong đó có hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 sẽ tác động tích cực lên thị trường, giúp lưu thông hàng hóa tốt hơn. Tuy nhiên, chính sách này sẽ khiến thu ngân sách thành phố sẽ giảm đáng kể. Ước tính từ nay đến cuối năm ngân sách thành phố có thể sẽ giảm từ 8.000-10.000 tỷ đồng, bình quân giảm trên dưới 1.000 tỷ đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường dự kiến sẽ giảm 1.000 đồng/lít xăng, xuống còn 3.000 đồng/lít thay vì mức 4.000 đồng/lít như hiện nay. Trong tháng 3/2022, ngành tài chính thành phố đang triển khai góp ý cho vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ngành tài chính thành phố cũng đang lấy ý kiến về việc giảm thêm thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế hiện tại được cho là có phương pháp tính thuế lũy tiến khá lạc hậu, khả năng sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp.
“Những vấn đề trên dự kiến sẽ làm giảm số thu ngân sách của thành phố trong năm 2022. Tuy nhiên, đây là giải pháp cần thiết để bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi, qua đó giúp hoạt động thu ngân sách bền vững hơn trong thời gian tới”, ông Lê Duy Minh nhận định.
Trong năm 2022, Trung ương giao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 386.568 tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021; trong đó, số thu nội địa, kể cả dầu thô là 270.068 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 116.500 tỷ đồng.
Với diễn biến trên, để hoàn thành mục tiêu trên, ngành tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, dự báo số thu từng tháng, từng quý sát với thực tế phát sinh và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro với nghiệp vụ quản lý thuế.
Đặc biệt, tới đây ngành tài chính TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Trong đó, tập trung chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử và chuyển nhượng bất động sản…