Công ty cổ phần Prime Yên Bình (Vĩnh Phúc) là doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Năm 2022, nhờ việc giảm thuế này, doanh nghiệp đã tiết kiệm chi phí gần 2,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Prime Yên Bình cho biết, nhờ có nguồn tiền này, công ty đã đầu tư vào cải tiến thiết bị, từ đó, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Kết quả trong năm 2022 công ty đã nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng.
Trong bối cảnh năm nay khi đơn hàng sụt giảm, chính sách giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho hơn 240 lao động.
“Bên cạnh đó, khi thuế VAT giảm thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ hạ, khả năng mua và sử dụng tăng lên thì sản lượng cũng sẽ ổn định. Đây chính là ảnh hưởng trực tiếp của sắc thuế này mang lại”, ông Nguyễn Hải Đăng nói.
Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2020-2022 Bộ đã chủ động nghiên cứu đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…
Trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, được các chuyên gia kinh tế đánh giá đã hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ với báo chí, GS.TS.Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam cho rằng các gói hỗ trợ tài chính trong và sau giai đoạn dịch COVID-19 đã góp phần giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp được tiếp cận mức thuế suất thấp, tiếp cận các gói hỗ trợ về đầu tư phát triển như y tế, hạ tầng, an sinh xã hội, việc làm. Đồng thời cũng giúp Việt Nam không rơi vào vòng xoáy nợ nần. Chính sách tài khoá vừa “cứu trợ khẩn cấp” khi cần, nhưng mặt khác nợ ngân sách nhà nước vẫn ở mức kiểm soát được.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách vẫn tiếp tục nối dài trong năm 2023 này để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Mới đây nhất, ngày 30/6, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023, sẽ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Theo ước tính, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024.
Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ làm giảm giá bán, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, doanh nghiệp khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, làm tăng tổng mức bán lẻ và góp phần kiềm chế lạm phát.
Hay như trước đó, ngày 28/6, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng Nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Bộ Tài chính đánh giá việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2023.
Trước đó, ngay từ quý đầu năm, trong bối cảnh nhận thấy nhiều khó khăn khi nền kinh tế bộc lộ những hạn chế, thách thức, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023.
Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, ông Đỗ Lê Phương, Phó Giám đốc Khách sạn, Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình rất vui mừng khi tiếp tục được thụ hưởng chính sách giảm 30% tiền thuê đất. Với diện tích thuê khoảng 30 nghìn m2 đất, tương đương số tiền được hưởng hơn 400 triệu đồng, công ty sẽ dùng tu sửa khách sạn và cảnh quan để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Theo ông Đỗ Lê Phương, Quyết định giảm tiền thuê đất đem lại tin vui cho công ty, đây là sự động viên, đồng hành của Chính phủ cũng như các bộ ngành Trung ương cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ thuế, hiện công ty đã hoàn thành các thủ tục gửi đến Cục Thuế tỉnh Hòa Bình để được thụ hưởng chính sách này.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, các chính sách gia hạn, giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế, đồng thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng khẳng định khi nói về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp suốt thời gian qua là “không hứa suông và đã nói là làm”, nhất là trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh...
Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Thông qua các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
“Không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.