Đây là một trong những nội dung tại buổi tọa đàm với chủ đề Phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) - kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa chính sách đối với quản lý tài chính - ngân sách tại Việt Nam do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều ngày 15/1 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì đầu tư xây dựng Luật Đối tác công tư trình Quốc hội cho ý kiến. Về những vấn đề liên quan tới tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính thấy rằng, dự thảo Luật đã kế thừa các quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, như: hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình phụ trợ, góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình. Bên cạnh đó, dự thảo Luật có quy định mới về cơ chế chia sẻ doanh thu.
Theo Thứ trưởng, cơ chế chia sẻ rủi ro thông qua chia sẻ doanh thu có tác động đến nghĩa vụ dự phòng của ngân sách nhà nước, tuy nhiên, nghĩa vụ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Thứ trưởngTrần Xuân Hà khẳng định, trường hợp phải sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, về nguyên tắc phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước và phải được Quốc hội phê duyệt.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh 6 nguyên tắc chính làm nên Luật Đối tác công tư tốt và có thể triển khai được Luật này phải thể hiện được sự hợp tác và chia sẻ được rủi ro. Luật cũng phải thúc đẩy được đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua cung cấp các loại hỗ trợ phù hợp từ phía Chính phủ cả về tài chính và phi tài chính
Việc chia sẻ rủi ro cần phải đi cùng với việc quản lý rủi ro một cách phù hợp thông qua xác định chính xác. Bên cạnh đó, Luật sẽ cần có được dự thảo rõ ràng; trong đó, nhấn mạnh về tính minh bạch, tính cạnh tranh. Đối tác công tư không chỉ là hợp tác mà còn phải là quan hệ đối tác giữa công và tư, sự hợp tác, phối hợp của Chính phủ là chìa khóa thành công.
Ông Lynn Tho đại diện Công ty Kiểm toán Ernst & Young đánh giá, hiện nay Việt Nam rất khó huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, do đó, ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng, cao nhất ở Đông Nam Á và cao hơn Ấn Độ. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn dành cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước. Trong khi quy mô nền kinh tế còn chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì đầu tư ở mức độ cao cho kết cấu hạ tầng ảnh hưởng đến bảo đảm cân đối vĩ mô, đến phát triển chung của toàn nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng dẫn đến gây áp lực đối với trần nợ công cao; việc tiếp cận các nguồn vốn vay giá rẻ như ODA giảm cũng gây áp lực lên vấn đề nợ công.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, sử dụng hình thức đầu tư đối tác công tư được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng cũng như trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao... trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp hiện nay.
Ông Ousmane Dione cho rằng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư mang lại nhiều lợi ích khác nhau, nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi triển khai; trong đó, rủi rõ tài khóa là vấn đề quan trọng nhất, cần phải làm rõ. Bởi, nhiều khi các bên hiểu đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cách thức để mình có được cơ sở hạ tầng miễn phí, hay cách hiểu khác là cơ chế vượt qua thách thức về tài chính, công cụ để hiện thực hóa đầu tư công thường dành cho cơ sở hạ tầng lớn, công cộng…
Theo ông Ousmane Dione, cần phải thống nhất rằng đầu tư theo hình thức đối tác công tư luôn luôn phát huy hiệu quả nếu như các bên đều sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro. Bên cạnh đó, nếu Chính phủ đã chấp nhận rủi ro về tài khóa thì phải làm thế nào để đạt được sự cần bằng trong việc phân bổ rủi ro, giám sát và quản lý rủi ro phù hợp.