Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị thiệt hại do ùn tắc tại cửa khẩu

Gần 1 tháng nay, lượng xe container ùn ứ kéo dài trên đường quốc lộ, tại các bãi trung chuyển cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, ước tính lên tới vài nghìn tỷ đồng. Các địa phương kiến nghị hội đàm cấp cao để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Chú thích ảnh
Hàng dài xe hàng nối đuôi nhau trên cầu Bắc Luân II - cửa khẩu Móng Cái chờ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phần lớn hàng ùn tắc tại các cửa khẩu là nông sản như: Thanh long, mít, dưa hấu, xoài... Nhiều loại quá ngày bảo quản đang phải đổ bỏ vì hư hỏng. Với hơn 6.200 xe bị tắc tại các cửa khẩu (tính đến ngày 21/12), các doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lên tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng. 

“Ước tính, mỗi xe hàng chở qua biên giới có giá trị dao động 500 - 900 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải trả chi phí thuê xe và lái xe... khoảng 100 triệu đồng, chưa kể các chi phí hợp đồng khác. Thiệt hại là vô cùng lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết. Theo các chuyên gia kinh tế, với bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm, vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tính đến ngày 25/12, tổng lượng xe hàng xuất đi Trung Quốc còn tồn tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.204 xe, giảm 125 xe so với ngày 24/12. Do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí. Trong khi đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị, hoạt động thông quan hàng hóa với năng lực rất khiêm tốn, chỉ khoảng trên 100 xe/ngày. Cửa khẩu Chi Ma đã hoạt động trở lại nhưng thông quan chưa đến 10 xe/ngày, chủ yếu là xe không từ phía Trung Quốc sang nhận hàng về. Trong khi đó, cửa khẩu Tân Thanh vẫn đang dừng thông quan từ ngày 18/12, còn ùn ứ hơn 2.000 xe hàng. 

Mới đây nhất, Tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất với Trung Quốc 2 phương án giao nhận hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh nhưng chưa nhận được sự phản hồi. Tỉnh Lạng Sơn đang kiến nghị cấp trên hội đàm cấp cao để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và lái xe, tỉnh Lạng Sơn đã miễn phí điều trị cho lái xe không may nhiễm COVID-19; đồng thời giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu, giảm giá nhiều loại dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh.

Cụ thể: Giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, giảm 10% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; giảm 5% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập tái xuất, hàng hóa tạm xuất tái nhập, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa của nước ngoài gửi kho ngoại quan xuất khẩu, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển cảng, hàng hóa có nguồn gốc nước thứ ba.

Tỉnh Lạng Sơn cũng giảm giá dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh, giảm 20% giá dịch vụ xe ra, vào bến xe đối với tất cả các loại phương tiện từ 25/12/2021 đến 31/3/2022. Ngoài ra, Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên cũng giảm giá dịch vụ phương tiện vận tải lưu ngày/đêm tại bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu cửa khẩu Tân Thanh cho các doanh nghiệp từ 20 - 70%.

Theo đó, biểu phí của Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên đã kịp thời điều chỉnh, thu bằng 80% (giảm 20%) mức giá lưu tại bến xe 2 ngày/đêm đầu tiên; từ ngày/đêm thứ 3 đến ngày thứ 10 thu bằng 50% (giảm 50%). Từ ngày/đêm thứ 11 trở đi thu bằng 30% (giảm 70%). Phía Bảo Nguyên cũng phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh cung cấp miễn phí nước sạch đóng bình và mì ăn liền cho toàn bộ lái xe trong trong thời gian xe hàng bị ùn ứ ở cửa khẩu.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Việc điều chỉnh giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu, giá dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh là việc làm thiết thực, cấp bách để hỗ trợ các các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trong tình hình ùn tắc hàng hóa và khả năng còn kéo dài do Trung Quốc siết chặt việc thông thương với lý do phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng đã thống nhất về việc thiết lập “vùng đệm” là khu vực khử khuẩn hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt ngoài khu vực cửa khẩu và tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại cửa khẩu khu vực phía Bắc, Ban IV đã có công văn khẩn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một số giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt - Trung. Theo đó, đề xuất Chính phủ xem xét, tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt. Hai bên cũng cần phối hợp lực lượng chuyên môn để bàn giao theo đợt, giải phóng các xe hàng, container, tài xế đang "kẹt" tại cửa khẩu hai bên.

“Bên cạnh hoạt động đàm phán, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực đệm này, nhằm phát hiện sớm và cách ly ngay tại đầu vùng đệm”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết.

Theo Bộ Công Thương, để giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, trước hết cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử, chuyển hướng xuất khẩu sang các cửa khẩu của các địa phương khác ngoài Lạng Sơn… Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn, thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (Cao Bằng, Hà Giang) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, ví dụ như đường biển mà các doanh nghiệp thủy sản đang làm rất tốt.

Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn đề nghị báo cáo về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới về cơ quan này trước ngày 27/12.

Văn bản do ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội, ký gửi các bộ ngành, địa phương trên nêu rõ: Thực hiện chức năng giám sát theo quy định, để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trong thời gian gần đây, UBKT đề nghị 2 bộ: Công thương, NN-PTNT về các vấn đề liên quan. Trong đó, các Bộ cần báo cáo tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) trong thời gian gần đây.

Dưới đây là clip được đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam ghi lại cảnh hàng nghìn xe container chờ đợi thông quan ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc: 

Bài, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Cặp cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - Đông Hưng tạm dừng thông quan để phòng, chống dịch COVID-19
Cặp cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - Đông Hưng tạm dừng thông quan để phòng, chống dịch COVID-19

Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vừa xác nhận phía chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã có thông báo gửi chính quyền thành phố Móng Cái về việc tạm dừng thông quan hàng hóa ở cặp cửa khẩu quốc tế này để phục vụ việc phòng chống dịch COVID-19 ở phía Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN