Đó là 3 trạm biến áp (TBA) 500kV Phố Nối (vận hành trong tháng 3/2016), Đông Anh (tháng 12/2016), Tây Hà Nội (đầu năm 2018) và các đường dây 500kV Đông Anh - Hiệp Hòa - Bắc Ninh 2 (tháng 12/2016), Thường Tín - Nho Quan, Thường Tín - Tây Hà Nội (đầu năm 2018).
Như vậy, các dự án này sẽ hình thành mạch vòng: Thường Tín - Phố Nối - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Tây Hà Nội - Thường Tín, đồng thời sẽ đưa lưới điện 500kV gần sát hơn với trung tâm phụ tải của Hà Nội qua TBA 500kV Đông Anh.
Cũng trong năm 2016, NPMB sẽ đưa vào vận hành thêm 4 TBA 220kV Sơn Tây, Long Biên, Đông Anh, Tây Hà Nội và đường dây 220kV Hòa Bình - Tây Hà Nội, nâng tổng số TBA 220kV cung cấp điện cho thành phố Hà Nội lên 11 trạm.
Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) cho biết, hiện nay các nguồn cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội được cung cấp trực tiếp từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (ở cấp điện áp 220kV) và lưới điện 500kV.
Hiện tại nguồn điện 500kV cấp cho Hà Nội trực tiếp từ 3 TBA 500kV Thường Tín, Hiệp Hòa và Phố Nối. Lưới 500kV cũng cung cấp điện cho khu vực các tỉnh miền Bắc và Hà Nội đã được khép kín mạch vòng từ Thường Tín - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Thường Tín, như vậy đã nâng cao rất nhiều độ an toàn cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Phan Lương Thiện, Giám đốc NPMB, khó khăn lớn nhất đối với các dự án truyền tải điện đang triển khai hiện nay là các thủ tục về công tác qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất cụ thể … gây mất nhiều thời gian thực hiện, chờ đợi, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Ông Đỗ Đức Mạnh, Trưởng phòng Đền bù (NPMB) cho biết, đơn cử như một số dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, NPMB đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất như đường dây 500/220 kV Hiệp Hòa – Đông Anh – Bắc Ninh 2 cho địa bàn 4 quận huyện, nhưng khi phê duyệt kế hoạch chỉ có địa bàn 2 huyện Gia Lâm và Sóc Sơn được phê duyệt.
Đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Nam Định như TBA 220 kV Trực Ninh, các đường dây 220 kV Thái Bình – Tiền Hải - Trực Ninh; Trực Ninh cắt Ninh Bình – Nam Định; Ninh Bình – Nam Định đang triển khai thi công để đóng điện đầu năm 2017. Ông Phan Lương Thiện, Giám đốc NPMB cho biết, theo qui định các dự án điện đã được phê duyệt trong quy hoạch điện phải được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2020 của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh Nam Định không cập nhật các dự án này.
Mặt khác, do các dự án không nằm trong qui hoạch sử dụng đất được duyệt nên cũng không được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Do đó khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình Hội đồng nhân dân thông qua, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo qui định của Luật Đất đai 2013, để có cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ cần thiết phải xác định giá đất cụ thể và việc này địa phương sẽ thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cho dự án. Tuy nhiên, các dự án truyền tải điện trải dài qua nhiều địa bàn, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nên việc xác định giá đất cũng gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo Trưởng phòng Đền bù Đỗ Đức Mạnh, việc xác định nguồn gốc đất đai, theo qui định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm thuộc về UBND cấp xã. Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý đất đai, nhân sự thực hiện của địa phương nên việc xác định nguồn gốc đất phục vụ thu hồi đất, lập phương án bồi thường bị chậm, khó giải quyết dẫn đến một số dự án bị chậm tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
“Đối với việc thu hồi đất, giao đất đối với các dự án truyền tải điện, đặc biệt là các dự án đường dây 220 kV chỉ thực hiện cho các vị trí chân móng cột, phần hành lang an toàn lưới điện không qui định phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho thu hồi đất, giao đất, hạn chế khả năng sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất ... điều này gây vướng mắc khi phải thực hiện biện pháp cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công”, ông Mạnh cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trên, theo đánh giá của Giám đốc NPMB Phan Lương Thiện, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án truyển tải điện, NPMB đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, phối hợp hiệu quả từ các chính quyền các địa phương, các sở, ngành liên quan, sự đồng thuận của các hộ dân.
Đơn cử như các dự án lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội, NPMB đã được UBND thành phố tổ chức nhiều cuộc họp do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chủ trì để giải quyết. Ban Chỉ đạo Phát triển lưới điện thành phố và Sở Công Thương cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.
Đối với các dự án thuộc Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình cũng được lãnh đạo các tỉnh Thái Bình và Nam Định tập trung đông đốc và chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách trong công tác quy hoạch, đơn giản các thủ tục về giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án…
“Chính sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả này nên nhiều dự án đã được triển khai đúng kế hoạch đề ra. Đây chính là chìa khóa để giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện”, ông Thiện khẳng định.