So với các quốc gia trong khu vực, ngành chế biến gỗ Việt Nam được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi trong việc khẳng định vị thế cạnh tranh xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, hiện ngành đang nỗ lực tìm lối đi mới.
Nhiều tiềm năng
Tính đến tháng 10/2012, Việt Nam đang đứng thứ sáu trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, đứng thứ hai ở châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Hiện tổng mức sản xuất đồ gỗ của cả nước đạt gần 5,2 tỷ USD; mục tiêu phấn đấu của ngành, trong vòng 15 năm tới, giá trị sẽ tăng lên gấp 3 - 4 lần. “Xét về mặt thị trường, trong khi nhiều ngành xuất khẩu khác đang có dấu hiệu bị thu hẹp hay gặp khó khăn khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ngành gỗ vẫn lạc quan. Cụ thể, nhiều bạn hàng truyền thống như Nhật Bản thì đang xây dựng sau thảm họa sóng thần nên nhu cầu sử dụng đồ gỗ rất lớn và kim ngạch qua thị trường này đã tăng tới hơn 30% trong 9 tháng đầu năm 2012 và sẽ còn tăng hơn nữa; còn Ôxtrâylia, Niu Dilân cũng tăng 16%...”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) nói.
Dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định). |
Kết thúc năm 2011, các doanh nghiệp đã sử dụng hơn 13 triệu m³ gỗ, trong đó nguyên liệu trong nước chiếm 11 triệu m³, bao gồm: rừng trồng tập trung 6 triệu m3, gỗ cao su hơn 2 triệu m³, còn lại từ gỗ cây phân tán. Nhìn đến năm 2020, nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định, con số 22 triệu m³ gỗ nguyên liệu trong nước cung ứng cho chế biến gỗ là có thể thực hiện được. Cụ thể, với khoảng 800.000 ha cao su, chu kỳ khai thác 25 năm, có thể khai thác 5 - 6 triệu m³ gỗ nguyên liệu. Riêng 2,3 triệu ha rừng trồng, đến năm 2020 sẽ cung cấp 15 - 16 triệu m³. Ngoài ra, chưa tính đến lượng lớn gỗ được trồng phân tán trong dân hàng năm cung cấp hàng chục triệu m3, góp phần giúp các doanh nghiệp nhẹ giảm nỗi lo về thiếu hụt nguyên liệu.
Hiện Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam, nhưng quốc gia này đã có thay đổi về chiến lược khi điều chuyển các doanh nghiệp sản xuất vào sâu trong nội địa đẩy chi phí lên cao. Những quốc gia khác trong khu vực như: Malaixia, Thái Lan... giá lao động đang tăng gần gấp đôi so với trước nên ảnh hưởng không nhỏ đến giá xuất khẩu. “Ngành chế biến gỗ hoàn toàn có thể trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như kỳ vọng. Điều quan trọng là cùng với chính sách mang tính định hướng, dài hơi của ngành chức năng, các doanh nghiệp cũng phải mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ, thiết bị. Hiện các nước có thế mạnh về chế biến gỗ ở châu Âu như Đức, Italia, Pháp..., nhiều doanh nghiệp đang bị thua lỗ, phải đóng cửa. Đây sẽ là cơ hội cho chúng ta trong việc chiếm lĩnh thị trường cũng như mua sắm, nâng cấp trang thiết bị với giá tốt...”, ông Hạnh lưu ý.
Còn nhiều việc phải làm
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay cả nước có gần 6.500 doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc các loại hình sở hữu khác nhau, trong đó tỷ lệ ngoài quốc doanh chiếm hơn 95%. Đặc biệt, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 15% nhưng giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn một nửa. “Những doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan... đều có đầu tư bài bản, chú trọng chất lượng và có tính dài hơi. Các khâu trong chuỗi sản xuất đều được tự động hóa từ đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng đã giúp họ hạ được giá thành, hoàn thiện tốt về chất lượng. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đạt đến trình độ này, còn nặng tính ăn xổi, gia công tạm bợ...”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối cho hay.
Đi sâu phân tích, nếu tính trên mức độ sử dụng lao động thì có đến 46% doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô siêu nhỏ, 49% DN quy mô nhỏ, còn lại thuộc diện vừa và lớn. Xét ở góc độ vốn đầu tư, có đến 93% số doanh nghiệp chế biến gỗ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở trong nước, đặc biệt ở những khu vực làng nghề, người lao động hầu như không được đào tạo cơ bản mà chủ yếu làm việc thủ công... Theo ông Dũng, chính điều này đã góp phần làm cho các sản phẩm cao cấp trong nước khó khăn trong cạnh tranh về giá, chất lượng... và cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận “phận” gia công cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành gỗ hiện nay là chưa giải quyết được tình trạng thiếu nguyên liệu chuyên dụng phục vụ cho chế biến những sản phẩm đồ gỗ cao cấp xuất khẩu. Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc không ít vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, làm cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bị động, tính cạnh tranh chưa cao. Hiện mỗi năm, doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu gỗ để chế biến sản phẩm giành cho phân khúc trung - cao phục vụ những thị trường khó tính như: Nhật, Hoa Kỳ... “Tăng trưởng của ngành thời gian qua chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Nhưng hiện thị trường xuất khẩu đang có nhiều khó khăn về chính sách, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt...”, ông Tuấn nói thêm.
Lối ra đã có
Tại cuộc họp về công tác chế biến gỗ được tổ chức cuối tháng 8/2012 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương khẳng định, việc tái cơ cấu lĩnh vực chế biến và kinh doanh lâm sản là điều quan trọng và cấp thiết trong nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm. Trước mắt Bộ sẽ xây dựng và triển khai quy hoạch chế biến gỗ theo hướng gắn kết chặt chẽ với những đơn vị sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiến tới hình thành các khu chế biến lâm sản công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị tăng và khả năng cạnh tranh cao sẽ được chú trọng xúc tiến. Việc phát triển nguồn nhân lực bao gồm sản xuất trực tiếp và quản lý, xúc tiến thương mại; cải thiện, xây dựng lại hệ thống phân phối sản phẩm... cũng sẽ được Bộ Công Thương triển khai nhằm đem đến sự phát triển hiệu quả, bền vững đối với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Đinh Ngọc Minh, Vụ phó Vụ Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, phát triển ngành gỗ chế biến chính là điều kiện để giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay hầu hết các thiết bị này phải nhập khẩu vừa gây tăng chi phí đầu ra, vừa gây lãng phí khi các doanh nghiệp trong nước vẫn có thể sản xuất. Vì vậy, hiện Bộ đang xúc tiến xây dựng một chiến lược ưu tiên cho sự phát triển của ngành này. Song song đó, những chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, nghiên cứu và áp dụng công nghệ, ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài... đang được ngành chức năng xem xét triển khai trong thời gian sớm nhất.
“Điều quan trọng hơn khi phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ, ngoài việc tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành, còn góp phần không nhỏ cho việc tạo công ăn việc làm cho người dân. Qua tính toán của chúng tôi, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tạo ra khoảng 1 triệu việc làm, ngành công nghiệp phụ trợ có thể phát triển con số này lên 2 lần”, ông Minh nói thêm.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Cục Chế biến Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối: Ngành chế biến gỗ ở nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn khi đang có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 3.394 triệu USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Điều đáng quan tâm, chúng ta đã chuyển từ xuất khẩu thô, chủ yếu là gỗ cây, gỗ ván sàn, gỗ xẻ, sang xuất khẩu các sản phẩm gỗ dân dụng đã qua chế tác có kỹ thuật, mỹ thuật, từng bước khẳng định được uy tín thương hiệu.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA: Chúng ta vẫn nói ngành chế biến gỗ là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trong danh mục tạo điều kiện cho ngành phát triển chưa có mặt ngành chế biến gỗ. Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành chức năng xem xét để có thể bổ sung ngành gỗ vào danh mục và đây sẽ là chất kích thích giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ, thiết bị sao cho phù hợp cũng như đẩy mạnh công tác tái cấu trúc lại dây chuyền và thiết bị nhà máy vốn đã khá cũ và lạc hậu.
Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành: Áp lực cạnh tranh cao nhất của doanh nghiệp gỗ hiện nay là các đối tác đòi hỏi đơn vị cung ứng phải chứng minh rõ nguồn gốc, có chứng chỉ chứng minh gỗ hợp pháp... Trong tình hình sức mua của thị trường nước ngoài giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp đã quay về thị trường nội địa nhưng hiện không ít vẫn loay hoay do chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp, thiếu hệ thống phân phối và giá bán bất hợp lý... |
Lê Nghĩa