'Chặn' hàng giả hàng nhái bằng công nghệ

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần đầu tư giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ uy tín cho chính doanh nghiệp và sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái.

Chú thích ảnh
Cục QLTT Kon Tum đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum mật phục, vây bắt vụ vận chuyển các loại củ "đội lốt" Sâm Ngọc Linh để bán cho người tiêu dùng vào năm 2021. Ảnh: QLTT.

Doanh nghiệp chật vật vì vấn nạn hàng giả

Sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm quý hiếm và đắt đỏ bậc nhất thế giới, được phát hiện tại Việt Nam. Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia, là quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa trời đất ban tặng, do đó Thủ tướng nhấn mạnh, cần gìn giữ, bảo tồn và phát triển quốc bảo này trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho đất nước.

Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh đã phải đối diện với nhiều khó khăn do vấn đề hàng giả, hàng nhái. Bà Trần Hoàng Kim Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược sâm Ngọc Linh Việt Nam (thương hiệu PN’S CHOICE) cho biết: Sâm Ngọc Linh có sản lượng khan hiếm cùng với lợi ích kinh tế lớn khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Điều đáng nói, sâm Ngọc Linh bị làm giả ngay tại thánh địa của sâm Ngọc Linh là huyện Đăk Tô, Kon Tum.

Thậm chí ngay cả cây giống cũng bị làm giả. Nếu mua nhầm cây giống giả, cái giá người nông dân phải trả quá lớn vì sau 5 năm, mọi thứ gần như mất trắng khi thu hoạch.

Trong khi đó, đối với các chuyên gia, việc phân biệt sâm thật và giả là điều đơn giản, nhưng đối với người tiêu dùng thì hoàn toàn không thể phân biệt. “Có đến 90% sâm Ngọc Linh là hàng giả trên thị trường, hệ lụy là khiến khách hàng quay lưng với hàng chính hãng do lo sợ mua phải hàng giả, dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh và người nuôi trồng, doanh nghiệp chúng tôi cũng chịu nhiều thiệt hại do vấn nạn làm giả này”, bà Trần Hoàng Kim Anh cho hay.

Tương tự, ông Phạm Quốc Lộc - Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội cho hay, doanh nghiệp rất lo lắng về vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Việc thương hiệu bị làm giả sẽ khiến khách hàng bị ảnh hưởng tới sức khoẻ, còn doanh nghiệp ngoài việc mất doanh thu còn ảnh hưởng lớn tới thương hiệu và uy tín. 

Để tự bảo vệ mình, ông Lộc cho hay, doanh nghiệp phải thực hiện những chiến dịch truyền thông, giới thiệu tên những nhãn hàng để người tiêu dùng nắm được các nhãn hàng của công ty. Đối với những kênh phân phối, doanh nghiệp phải hướng dẫn những nhà phân phối biết cách xác định được hàng giả, hàng nhái nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như khâu phân phối. 

“Chúng tôi luôn đăng tải những thông tin chi tiết về sản phẩm trên website chính thức của doanh nghiệp để khách hàng dễ dàng nhận biết được sản phẩm đó là sản phẩm chính hãng và thông qua những kênh truyền thông như hotline fanpage, website của công ty để nhận phản hồi của khách hàng, từ đó chúng tôi sẽ nhanh chóng để xác định được những khách hàng đã mua phải sản phẩm bị làm giả, làm nhái để báo cáo với những cơ quan chức năng và cùng các cơ quan quản lý nhà nước có hướng xử lý vấn đề này”, ông Lộc cho hay.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: Thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu...

Số liệu thống kê của Tổng cục quản lý thị trường cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 60 vụ giả về chất lượng cộng dụng, 357 vụ giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, 34 vụ tem - nhãn bao bì hàng hoá giả, 162 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 982 vụ hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

“Nhiều vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là hoá mỹ phẩm chỉ là công nghệ xoong nồi và chảo quấy. Hàng giả nói chung như túi xách giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, lấy đi cơ hội về sức khoẻ, chữa bệnh”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Sử dụng công nghệ cao để chống hàng giả

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho hay, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và buôn bán hàng giả, ông Trần Đức Đông cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần chủ động nắm tình hình, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Đồng thời, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, cơ chế phối hợp và đề xuất các kiến nghị để từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả….

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm công nghệ chống giả Việt Nam, các nhà sản xuất phải tự cứu mình trước khi quá muộn, nên các doanh nghiệp có thể sử dụng chống hàng giả bằng cách sử dụng tem có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp TrueData với việc sản phẩm gắn chip RFID sử dụng trường điện từ tự động nên không thể làm giả, nhà cung cấp được xác thực bằng công nghệ định danh cùng bảo hiểm mua hàng chính hãng.

Để lấy lại uy tín cho sâm Ngọc Linh, bà Kim Anh cho biết, doanh nghiệp đã sử dụng giải pháp công nghệ TrueData với việc sản phẩm gắn chip RFID sử dụng trường điện từ tự động nên không thể làm giả, nhà cung cấp được xác thực bằng công nghệ định danh cùng bảo hiểm mua hàng chính hãng. Khi đó mỗi cây sâm giống sẽ được gắn chip ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng, giúp đảm bảo nguồn gốc cây giống thật. Sau khi thành nguyên liệu sản xuất và ra thành phẩm, mỗi sản phẩm cũng được gắn chíp để truy xuất nguồn gốc.

“Toàn bộ quy trình này được giám sát chặt chẽ và không có sự trộn lẫn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi sản phẩm đều được bảo hiểm nếu không phải hàng chính hãng” bà Kim Anh cho biết. 

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Nam sông Hồng, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện - PTI cho biết, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ TrueData sẽ được nhận bảo hiểm cho hành vi tấn công, truy cấp trái phép hay giả mạo của bên thứ 3, cùng với đó là bảo hiểm cho lỗi hệ thống, lỗi vận hành hoặc lỗi bảo mật của sản phẩm công nghệ, dịch vụ công nghệ.

Thu Trang/Báo Tin tức
Nan giải cuộc chiến chống hàng giả
Nan giải cuộc chiến chống hàng giả

Sáng 23/8, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức tổ chức hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN