Cấp thiết “tái cơ cấu” ngành chăn nuôi

Khác với diễn biến nóng về giá so với cùng kỳ năm 2011, thịt lợn đang bị người tiêu dùng “rẻ rúng” dù giá hạ, nguồn cung dồi dào. “Cơn địa chấn” thịt lợn nhiễm chất tạo nạc đang làm cho nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng, nhưng lại là dịp để ngành chăn nuôi có những thay đổi tích cực hơn.

Thịt lợn ế ẩm, chăn nuôi thua lỗ

Không xảy ra dịch bệnh nào trên tổng đàn nhưng những ngày này, rất nhiều hộ chăn nuôi tập trung và cá thể đang “đứng ngồi không yên” vì nỗi lo lợn đến ngày xuất chuồng nhưng thương lái chẳng mặn mà thu mua. Tình trạng này bắt đầu từ tháng 2 và cao điểm ở tháng 3, khi các thông tin về việc phát hiện thịt lợn nhiễm chất tạo nạc gây hoang mang cho người tiêu dùng. “Việc sử dụng chất cấm giúp cho lợn tăng trưởng, nạc nhiều chỉ xảy ra ở số ít người, hậu quả thì tất cả người chăn nuôi lãnh đủ, trong đó những người nuôi chân chính phải chịu vạ lây” - đưa tay chỉ chuồng lợn 8 con vẫn chưa bán được, chị Minh, ở xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh (Tây Ninh) than thở.

Đã đến lúc ngành chăn nuôi cần liên kết lại, hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn.


Tại tỉnh Đồng Nai, nơi “tâm bão” về phát hiện thịt lợn bị nhiễm chất cấm, hiện giá lợn hơi chỉ còn 40.000 – 42.000 đồng/kg, giảm gần 30% so với thời điểm trước đó một tháng. Người chăn nuôi tính toán, với giá “bèo bọt” trên, cầm chắc lỗ từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Là địa phương có tổng đàn nhiều nhất nước, Đồng Nai có gần 1,2 triệu con lợn, trong đó hơn 50% là chăn nuôi tập trung, hàng tháng cung cấp cho thị trường khoảng 16.000 tấn thịt lợn các loại. Vì lợi nhuận và tâm lý chuộng thịt nạc của các bà nội trợ, việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi của không ít người dân đã âm ỉ từ nhiều năm qua và mới được dư luận xã hội “làm nóng” trong thời gian gần đây. Hiện thị trường thịt lợn đang rơi vào tình trạng ế ẩm do người tiêu dùng lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo khảo sát của chúng tôi, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống đang giảm mạnh từ 20.000 – 30.000 đồng/kg nhưng vẫn không thu hút người mua.

Là loại thuốc đáp ứng nhu cầu tăng trọng nhanh, tạo nạc nhiều, ngay từ năm 2002 ngành chức năng đã cấm sử dụng nhóm beta – agonist trong thức ăn dành cho chăn nuôi. Sau đó Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn không sử dụng những chất nằm trong danh mục cấm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, người sử dụng thịt lợn có chứa những chất cấm có nguy cơ tích lũy trong cơ thể dẫn đến ngộ độc. “Thực chất nhà nông hưởng lợi rất ít vì quá trình tạo nạc lợn không tăng được trọng lượng, chỉ tạo cảm giác nở mông, vai trông thích mắt” - anh Phạm Văn Tạo, ở xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương phân tích.

Giảm quy mô nhỏ lẻ

Theo nghiên cứu của WATT Research (một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường của Mỹ) công bố năm 2010, Việt Nam xếp hạng 3 về tổng đàn nái trên thế giới, nhưng về lượng thịt lợn sản xuất chỉ đứng hạng 6, với khoảng hơn 2,3 triệu tấn/năm. Về thực trạng chăn nuôi, chỉ có 15% tổng đàn được chăn nuôi theo quy mô công nghiệp và có đến 85% được chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung. Lợn được chăn nuôi ở quy mô công nghiệp thường có mức độ đầu tư vào con giống di truyền cao; chuồng trại, quản lí tốt, dinh dưỡng phù hợp sẽ cho năng suất cao và chất lượng thịt tốt. Riêng việc chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình phổ biến nên việc đầu tư vào con giống di truyền không được chú trọng, dẫn đến năng suất thấp, tiêu tốn thức ăn nhiều, khó quản lý về chất lượng…

Cùng với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là một trong những địa phương có đàn lợn lớn và gần 80% được chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại. Khác với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu là “lấy công làm lãi”, các trang trại đã chủ động vay vốn, liên hệ với nhà phân phối đầu tư vốn quy mô, xây dựng chuồng trại kiên cố chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. “Những hộ chăn nuôi nhỏ thường chỉ dựa vào các kinh nghiệm tích lũy và ít khi được tập huấn, phổ cập các kiến thức, hướng dẫn mới về chăn nuôi. Việc cho lợn ăn để tăng trưởng cũng chủ yếu theo cảm tính, xu hướng, phong trào hoặc sự gợi ý của thương lái mà không có sự am hiểu cơ bản về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính việc chăn nuôi nhỏ lẻ như trên nên họ rất dễ bị tổn thương và thiệt thòi khi xảy ra sự cố. Ngược lại, những trang trại chăn nuôi lớn có đầu ra lớn, giá cạnh tranh hơn, kiểm soát được chất lượng… đang dần tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng” - ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương nhận định.

Cấp thiết nhu cầu liên kết

Xu hướng của các nhà sản xuất thực phẩm hiện nay là sản xuất sạch, an toàn theo quy trình khép kín từ “trang trại tới bàn ăn”. Kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp là phải xây dựng được mối gắn kết chặt chẽ, hình thành mạng lưới liên kết xuyên suốt từ sản xuất, chế biến, đến bán sản phẩm ra thị trường. Với sự quản lý của cơ quan nhà nước, hệ thống này sẽ hình thành và phát triển xuống từng tỉnh, thành, khu vực...

Ở góc độ khác, ngoài việc liên kết phát triển chăn nuôi bền vững, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường thực phẩm đang chịu tác động rất lớn bởi những yếu tố mang tính tâm lý (của cả người chăn nuôi và người tiêu dùng). Nguyên nhân là chuỗi cung ứng thực phẩm chưa được tổ chức tốt và sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng thiếu chặt chẽ, dễ bị tổn thương khi có những diễn biến bất thường. Do đó, nông dân, nhà máy, người tiêu dùng phải liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau và cùng nhau phát triển. “Chỉ như thế khách hàng mới yên tâm sử dụng thực phẩm hợp túi tiền, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - ông Năm khẳng định.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN