Cấp thiết đổi mới công nghệ để hội nhập

Kinh tế càng hội nhập sâu, việc đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng càng đòi hỏi bức thiết, thậm chí là sống còn để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, DN Việt Nam vẫn lạc hậu và chậm đổi mới công nghệ so với các nước.


“Ngại” đầu tư

Trước những cơ hội và thách thức mới trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, các DN cần xác định năng suất, chất lượng” mới là chìa khóa thành công. Song thực tế, việc đổi mới của DN lại diễn ra khá chậm chạp. Đây chính là nguyên nhân khiến DN Việt Nam bị “mất điểm” tại thị trường trong và ngoài nước.


Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, trong khoảng 300.000 DN tại Việt Nam, có đến 98% là DN vừa và nhỏ. Phần lớn, doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các DN Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Trong khi đó, tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại một số quốc gia khác cao hơn rất nhiều: 3,57% tại Hàn Quốc, 1,7% tại Trung Quốc (năm 2009), Ấn Độ 0,76% (năm 2007) nhưng ở DN Việt Nam thì rất thấp, thậm chí là không đáng kể. Nhìn nhận từ thực tế kinh doanh của DN Việt Nam, không ít chuyên gia cho rằng, sản xuất của Việt Nam chưa ứng dụng vào công nghệ hiện đại mà chủ yếu là khai thác tài nguyên.


Chẳng hạn, được xem là thành phố đầu tàu cả nước về kinh tế, song chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh còn thấp, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 -2011 giảm. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn (gần 55%), ít phụ thuộc vào tri thức, chất lượng quản lý, khoa học công nghệ (17,4%).

Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ hiện đại để tăng năng suất lao động. 


Theo đó, qua khảo sát của cơ quan chức năng ở 900 DN sản xuất đang hoạt động trên địa bàn thành phố, tỷ lệ các máy móc, thiết bị chính đang sử dụng có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu chiếm tới gần 90% (ở các DN liên doanh nước ngoài là 55%). Trong các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các máy móc, thiết bị sản xuất hầu như rất ít được thay mới.


Theo đánh giá của các chuyên gia, trình độ công nghệ dệt - sợi của DN tại TP Hồ Chí Minh mới chỉ đạt ở mức trung bình khá của thế giới. Công nghệ giấy, may, nhựa, sữa chỉ đạt mức trung bình. Còn công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm và công nghệ cơ khí - chế tạo nằm ở mức thấp kém, lạc hậu so với thế giới. Do đó, sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh cả về giá cả lẫn chất lượng. Riêng mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam liên tục gặp khó khăn chính là do không áp dụng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà các nhà nhập khẩu yêu cầu.


Bà Lê Lan Anh, Phó chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cho biết nhiều DN còn e ngại trong đổi mới công nghệ vì cho rằng nâng cao năng suất chất lượng cần phải có nhiều nguồn lực, đặc biệt là vốn cho nên đổi mới công nghệ trở nên xa vời với DN. Điều này, khiến DN nội địa khó cạnh tranh với các DN nước ngoài. "Càng hội nhập kinh tế sâu rộng, DN càng phải đổi mới công nghệ, có như vậy mới tăng sức cạnh tranh được với DN ngoại", nà Lê Lan Anh khẳng định.


Đổi mới để phát triển


Nhằm giúp DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, "Giải thưởng chất lượng" dành cho các DN được ngành Công thương đưa ra với mong muốn DN thực hiện cuộc “cách mạng” đổi mới. Theo đó, việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được triển khai từ năm 1996, thế nhưng từ đó đến năm 2014 cả nước chỉ có gần 1.500 DN đạt "Giải thưởng chất lượng", trong đó DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ có 95 DN (chiếm tỷ lệ 6,5%). Hầu hết DN không mặn mà với phong trào năng suất chất lượng vì kinh phí hỗ trợ cho DN rất hạn chế.


TS. Alan Phan từng cho rằng, cũng vì duy trì hình thức sản xuất theo công nghệ lạc hậu cho nên mới xảy ra tình trạng công nghiệp chỉ dừng ở mức gia công, nông nghiệp sản xuất rồi phải xuất khẩu sản phẩm thô. Vì vậy, sắp tới DN muốn phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với DN ngoại cần tập trung đầu tư và áp dụng công nghệ. Một DN yếu kém về công nghệ thì không thể tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao để tăng thu nhập. Ví dụ như Vinamilk tại Chicago (Mỹ) đang rất thành công khi nhà máy nuôi 15.000 con bò sữa nhưng chỉ dùng 3 nhân viên IT vận hành còn lại hầu hết là công nghệ. Tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất đều áp dụng máy móc hiện đại. Hiện Vinamilk tại Bình Dương cũng được xem là “địa chỉ đỏ” về điển hình công nghệ. Hoặc như TH milk tại Nghệ An hầu như áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Chính vì áp dụng được công nghệ hiện đại nên mới có câu chuyện 1ha đất ở tỉnh này làm ra 5 tỷ đồng mỗi năm nhưng ở tỉnh khác chỉ có thể tạo ra 35 triệu đồng.


Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Nhà nước phải có chế tài đủ mạnh để buộc các DN phải đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. Bởi theo Luật Thuế thu nhập DN quy định DN được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nhưng hầu hết DN Việt Nam hiện nay vẫn chưa quan tâm đầu tư công nghệ. Chính vì thế, các cơ quan quản lý cần phải có chế tài đủ mạnh để buộc DN phải trích một phần lợi nhuận của họ cho phát triển khoa học và công nghệ. Đối với những DN quá nhỏ có thể đóng góp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương để quỹ này có được một nguồn đủ lớn cho phép tái đầu tư theo tứ tự ưu tiên, làm sao mỗi năm sẽ có một số DN được hỗ trợ để đổi mới công nghệ.


Theo ông Phạm Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN khắc phục những khó khăn để thúc đẩy phong trào tăng năng suất chất lượng, tạo ra những giá trị mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. "Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của nhà nước và của Thành phố, bản thân các DN cũng cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, có tinh thần dám nghĩ dám làm. Có vậy, tiến trình đổi mới công nghệ mới đi đến thành công, tạo ra nhiều giá trị sản xuất cho DN", ông Tân cho biết.



Hoàng Tuyết
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN