Cập nhật diễn biến mặn trên sông Tiền để người dân chủ động ứng phó

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang đưa ra những biện pháp tích cực nhằm chủ động đối phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân trước tình hình mặn lấn sâu vào nội đồng, đe dọa các vùng chuyên canh.

Chú thích ảnh
Cống Bảo Định (thành phố Mỹ Tho) đóng ngăn mặn bảo vệ sản xuất. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Theo Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công, đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi tại đây đã cho đóng toàn bộ các cống lấy nước để ngăn mặn triệt để, không cho xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến trà lúa vụ Đông Xuân, cây trồng khác tại đây.

Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường quan trắc mặn trên sông Tiền và sông Vàm Cỏ 24/24 giờ trong ngày, cập nhật thông tin diễn biến mặn và khuyến cáo các giải pháp phòng chống hạn mặn để nhân dân biết và chủ động ứng phó hiệu quả.

Công ty còn đưa vào vận hành 10 thuyền bơm lưu động bơm trữ nước trong nội đồng, khuyến khích nông dân tích cực trữ nước chống hạn trong hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất.

Cùng với đó, Công ty vận hành cống đầu mối Xuân Hòa lấy ngọt từ sông Tiền cấp vào nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công nhằm bổ sung nguồn nước ngọt phục vụ chống hạn cho cây trồng, nhất là tưới cho trà lúa Đông Xuân, không để giảm năng suất hoặc thiệt hại do thiên tai.

Đối với vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản gần 15.000 ha ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Trạm Thủy nông Cai Lậy - Cái Bè (Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang) cử cán bộ đo độ mặn trên sông Tiền; kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến sông và nội đồng; đồng thời, theo dõi tình hình khí tượng thủy văn để có biện pháp tổ chức vận hành công trình cống phục vụ cho sản xuất có hiệu quả nhất.

Đặc biệt, Công ty tổ chức bố trí điểm đo và thường xuyên theo dõi độ mặn với chế độ đo 4 lần/ngày trên sông Tiền, thông báo diễn biến xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng kịp thời cho ngành chức năng và nhân dân biết để chủ động ứng phó hiệu quả, có kế hoạch lấy và trữ nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ hiện trạng các công trình cống, tổ chức duy tu sửa chữa kịp thời, đảm bảo ngăn mặn tốt và vận hành an toàn.

Theo Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, trong những ngày sau Tết Nguyên đán, diễn biến xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Tiền và sông Vàm Cỏ hết sức phức tạp, đe dọa sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là đối với trà lúa vụ Đông Xuân tại các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông và các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Tây của tỉnh.

Hiện độ mặn trên sông Tiền đo được tại khu vực thành phố Mỹ Tho đã vượt ngưỡng 1,5 gr/lít; tại xã cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) cách cửa sông khoảng 70 km, độ mặn dao động từ 0,36 - 1,05 gr/l. Với độ mặn này, ngành chức năng khuyến cáo nông dân vùng chuyên canh cây ăn quả đang nằm trong khu vực ảnh hưởng theo dõi cập nhật diễn biến mặn để tùy theo mức độ xâm nhập mặn, có kế hoạch hạn chế lấy nước tưới hoặc tạm ngưng tưới nước phù hợp, không để ảnh hưởng cây trồng.

Minh Trí (TTXVN)
Từ ngày 11-15/2, xuất hiện xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long
Từ ngày 11-15/2, xuất hiện xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long

Độ mặn trên các sông Nam Bộ có xu thế tăng dần, bên cạnh đó thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 2/2020, đặc biệt vào thời kỳ từ ngày 11-15/2; các sông Vàm Cỏ, sông Cái vào tháng 3/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN