Cấp bách khôi phục hệ sinh thái biển miền Trung

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự cố môi trường do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra vừa qua, nghiêm trọng nhất là các rạn san hô đã bị chết.

Việc khôi phục hệ sinh thái biển không hề dễ dàng và nếu nồng độ kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, cadimi cao, sẽ phải hút bùn cát để xử lý ở trên bờ.

Có thể hút trầm tích để xử lý

Sự cố môi trường biển miền Trung đã làm cho thủy sản chết trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn tới môi trường, các hệ sinh thái biển và đời sống ngư dân. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất cần giải quyết ngay là khắc phục môi trường, hệ sinh thái biển đang bị ảnh hưởng. Bởi nếu không có biện pháp khôi phục lại môi trường, vùng biển dọc từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên - Huế sẽ mãi là vùng biển chết.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, trong số 3 thành phần là nguyên nhân gây cá chết mà Chính phủ đã công bố, xyanua có khả năng tồn tại và gây nhiễm độc lâu nhất. Nếu hàm lượng xyanua trong trầm tích đáy biển và nồng độ các kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, cadimi quá cao có khả năng gây nguy hiểm cho môi trường. Do vậy, có thể phải hút bùn, cát tại khu vực có nồng độ cao để xử lý ở trên bờ. Với phương pháp này, sẽ phải huy động các tàu hút xuống biển, sau đó tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. Đây cũng là phương pháp từng được sử dụng trong quá trình làm sạch vịnh Minamata ở Nhật Bản, nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata. Nhiều chuyên gia đánh giá cao về giải pháp này, tuy nhiên cũng có nhiều băn khoăn về vấn đề kinh phí.

Ngư dân ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) phơi cá nục để xuất khẩu.

Trong số các hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng, hệ sinh thái rạn san hô chịu tác động mạnh mẽ nhất. Theo các đánh giá ban đầu, sự cố môi trường đã làm san hô chết tại rất nhiều khu vực biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Các nhà khoa học cũng nhận định, mất khoảng 50 năm các rặng san hô mới có thể phục hồi vì đây là loài phát triển rất chậm, chỉ khoảng từ 1 - 2cm/năm.

"Các vùng rạn đá, san hô là nơi có chức năng tái tạo hệ sinh thái biển. Các loài cá, cua, ốc… khi sinh sản tìm về các rạn đá, san hô vì vừa có nguồn thức ăn lại có nơi trú ẩn. Cho nên mất rạn san hô, những loài sinh vật biển không còn nơi sinh sản đồng nghĩa với việc các loài hải sản sẽ không còn sinh sống ở đây. Từ đó dẫn đến hệ sinh thái bị mất đi", GS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho hay.

Theo nguyên lý tự nhiên, các rạn san hô có khả năng tự phục hồi, trứng san hô từ các rạn san hô chưa chết sẽ phát tán ra môi trường, trôi đến và bám vào các khu vực san hô đã chết để giúp san hô mọc lại. Tuy nhiên, để san hô phát triển khỏe mạnh cần rất nhiều điều kiện như môi trường nước sạch; hệ sinh thái san hô còn nguyên vẹn với đầy đủ các sinh vật trong chuỗi thức ăn để tạo điều kiện cho các sinh vật có lợi cho san hô phát triển và hạn chế sự phát triển của các sinh vật không có lợi cho san hô.

PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất, để đẩy mạnh sự phục hồi của san hô, có thể sử dụng các phương pháp nhân tạo như nuôi cấy san hô. Hiện nay, ở nước ta đã có công nghệ nuôi cấy, phục hồi san hô rất hiệu quả.

Không để phát sinh thêm nguồn ô nhiễm

Theo các nhà khoa học, các độc tố còn lại trên bề mặt nước, sẽ dần bị pha loãng và theo thời gian nước biển sẽ trở lại bình thường bởi sự chuyển động của dòng chảy. Những chất tích tụ ở dưới đáy biển, một phần nào đó theo thời gian, cũng sẽ phát tán lên dòng nước chảy ở đáy biển. Dòng chảy này liên tục chảy từ Bắc đến Nam và không cố định nên mức độ phát tán sẽ nhanh theo thời gian. Độc tố sẽ dần hòa tan và giảm đi. Tuy vậy, để giải pháp phục hồi tự nhiên trở thành hiện thực, biển phải không tiếp nhận thêm chất thải hay tác động từ hoạt động đánh bắt của con người, nếu không các chất độc sẽ tiếp tục cộng hưởng, môi trưởng biển tiếp tục bị ô nhiễm.

"Dù áp dụng phương pháp hay công nghệ nào trong xử lý môi trường biển, quan trọng nhất vẫn phải quản lý tốt việc xả thải từ bờ, không để phát sinh thêm nguồn ô nhiễm và cấm tuyệt đối các hình thức đánh bắt hải sản cạn kiệt, đánh bắt bằng các biện pháp, phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, xyanua, giã cào, xung điện… Việc này muốn làm được thì cần những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước và của tất cả những người dân tham gia đánh bắt hải sản”, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết.

Do đó, việc đầu tiên cần phải làm là rà soát các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển có xả thải ra biển để đảm bảo chất thải từ các dự án này nằm trong giới hạn tự làm sạch của biển và không gây tác hại đáng kể đến môi trường biển. Cùng đó, cần rà soát các quy định về quy chuẩn Việt Nam đối với nước thải đã qua xử lý, giám sát tốt việc xả thải. Đặc biệt, cần phải xây dựng và đưa vào thực hiện một cơ chế ứng phó sự cố môi trường, sớm xây dựng, hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên, môi trường biển nhằm phát hiện chính xác và cảnh báo sớm các sự cố môi trường.

GS Đinh Văn Ưu cũng đề xuất, cần lập một hệ thống giám sát kèm theo các công cụ tính toán, dự báo, cảnh báo khu vực ô nhiễm đến đâu, tồn tại bao nhiêu lâu. Bởi các chất độc do Formosa thải ra có thể còn nằm ở tầng đáy và không di chuyển nhưng nếu chẳng may có bão lớn hay gì đó, tác động đến tận đáy thì có thể khiến các chất độc này bị khuấy lên, gây ra tai họa.

Ngày 18/7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay còn nhiều bất cập trong vấn đề luật pháp về vấn đề môi trường. Luật Môi trường yêu cầu thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngay từ đề xuất, ý tưởng dự án và lấy đó làm căn cứ để cấp giấy phép đầu tư là không khả thi. Vừa qua, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh làm đánh giá tác động môi trường quá chung chung. Bởi vậy nên xem xét thực hiện ĐTM vào giai đoạn cấp giấy phép xây dựng, như vậy mới có căn cứ để thực hiện ĐTM. Hiện nay, ĐTM như một hình thức để các doanh nghiệp “qua mắt” địa phương. Cùng với đó, cần xem lại trách nhiệm, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ trong quy hoạch chất thải rắn, chất thải nguy hại. Hiện nay, chất thải rắn là Bộ Xây dựng quản lý, chất thải nguy hại là Bộ TNMT, chất thải y tế là Bộ Y tế quản lý dẫn đến chồng chéo, khó quản lý. Vì vậy nên xem lại quy hoạch, nên giao cho cơ quan nào thay mặt Chính phủ quản lý chung. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra rất quan trọng nhưng nếu làm theo lối mòn cũ như hiện nay thì không bao giờ có thể triển khai được. Với quy mô như Formosa, cả 100 nhà khoa học vào sau một tháng với môt tả được nhà máy đó, quy trình công nghệ ra sao mới phát hiện ra được vi phạm…


Thu Trang - Quỳnh Mai
Miền Trung bước vào đợt nắng mạnh
Miền Trung bước vào đợt nắng mạnh

Các tỉnh Bắc Bộ dự báo nắng và nhiệt cũng có xu hướng tăng nhẹ. Nhiệt độ phổ biến 30 – 33 độ C. Các tỉnh miền Trung bước vào đợt nắng nóng diện rộng mới và nhiệt độ đồng đều mức 35 – 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN