Cạnh tranh từ thương mại điện tử - Bài cuối: Doanh nghiệp Việt phải tìm kiếm cơ hội trên 'sân nhà'

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị trường trên sân nhà phải tăng sức cạnh tranh bằng những sản phẩm chất lượng, giá thành phải chăng.

Chú thích ảnh
Bán hàng livestream trên các nền tảng số là hướng đi mới cho thương hiệu Việt trên "sân nhà". 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 100 sàn TMĐT xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch TMĐT; trong đó, có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch.

Thị trường này cũng đang có sự chạy đua và chi phối của những “đại gia” cung cấp sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Trong đó, Shopee là sàn TMĐT lớn nhất, chiếm gần 73% tổng doanh số thị phần, Lazada đạt khoảng 21%, Tiki chiếm 5% và Sendo chiếm khoảng 1% thị phần. Tuy nhiên, gần đây, những sàn TMĐT này cũng đang bị sụt giảm doanh thu do cạnh tranh với nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới khác.

Với 75% người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến khá cao. Các loại hàng hóa như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, sách, đồ dùng gia đình… là những sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn và mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Tuy nhiên, việc phát triển sàn TMĐT tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: vận chuyển mất chi phí cao và tốn nhiều thời gian, vấn đề an ninh, bảo mật thông tin cá nhân còn yếu…

Do không có kho bãi rộng rãi lớn, vận chuyển xa nên khi đặt hàng trên các sàn TMĐT của Việt Nam chi phí giao hàng thường khá cao và thời gian giao hàng cũng khá lâu, trung bình từ 3 - 5 ngày cho một đơn hàng được giao tới tay người tiêu dùng. Trong khi đó, mua hàng trên các sàn TMĐT xuyên biên giới, người tiêu dùng thường được giao hàng miễn phí và chỉ cần 1 - 2 ngày hàng hóa đã đến tay. Mặt khác, các sàn thương mại điện tử Việt Nam khó phát triển còn do khách hàng thường gặp vấn nạn mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

Chú thích ảnh
Theo quy định, các sản phẩm của doanh nghiệp khi bán giảm gía không được vượt quá 50% trong khi các sản phẩm bán trên sàn thương mại xuyên biên giới (chưa cấp phép) có mức giảm tới 90%.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, hàng hóa xé lẻ, phân tán trữ tại nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ... nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình trinh sát, bắt giữ và xử phạt. Không những thế, những đối tượng này chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi đăng quảng cáo các sản phẩm khác nhau, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng một loại sản phẩm rồi đặt qua đơn vị cung cấp khác để làm trung gian bán kiếm lời. Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng cũng rất khó kiểm soát.

Theo các chuyên gia kinh tế, TMĐT là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, để chấn chỉnh hoạt động TMĐT, không chỉ cần đến sự điều chỉnh hợp lý về mặt pháp luật, sự tăng cường hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng mà thậm chí còn cần những đề án riêng, những phương án quản lý đặc thù, đưa TMĐT trong nước đi vào quỹ đạo. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho TMĐT; tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT, hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TMĐT.

"Muốn thúc đẩy TMĐT phát triển an toàn, lành mạnh và minh bạch, phải liên tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến; bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển. Ngoài ra, chúng ta cần cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị...", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kiến nghị.

Chú thích ảnh
Sàn TMĐT Temu hoạt động khi chưa xin phép tại Việt Nam và tung chiêu bán hàng giảm giá sốc để thu hút khách hàng. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, theo Luật sư Đỗ Quang Chính, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021) xác định thương nhân, tổ chức nước ngoài có website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt là thương nhân, tổ chức có cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Thương nhân, tổ chức đó phải thực hiện việc đăng ký/thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng.

"Với trường hợp sàn Temu, nếu xác định sàn này đã hoạt động tại thị trường Việt Nam mà chưa xin phép (hiện đang xin phép) thì vẫn tính vi phạm pháp luật Việt Nam và có thể bị xử phạt với mức phạt đến 30 triệu đồng. Vì thế, Bộ Công Thương hoàn toàn có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Ngoài ra, theo nguyên tắc bất kỳ thu nhập chịu thuế nào mà chưa nộp thuế thì phải bị truy thu thuế. Cơ quan Nhà nước dựa trên thông tin về doanh thu, lợi nhuận để truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập", luật sư Đỗ Quang Chính nói.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cạnh tranh từ thương mại điện tử - Bài 2: Siết chặt quản lý để tạo môi trường cạnh tranh công bằng
Cạnh tranh từ thương mại điện tử - Bài 2: Siết chặt quản lý để tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật Việt Nam cần phải được xử lý mạnh tay để thị trường được công bằng, minh bạch trong thời đại kinh tế hội nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN