Cảnh giác 'sập bẫy' lừa đảo thương mại quốc tế

Trước nhiều vụ việc doanh nghiệp Việt Nam gặp rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường Âu-Mỹ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo để doanh nghiệp tránh mắc bẫy lừa đảo khi giao dịch xuất nhập khẩu với doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại một số nước châu Âu đã thông tin cảnh báo về các hiện tượng lừa đảo, rủi ro khi doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường này. Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã có cảnh báo những trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu tại thị trường này. Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu về doanh nghiệp Tây Ban Nha.

Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng cho biết, trong năm 2023, số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn Canada tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến việc đòi, yêu cầu của doanh nghiệp Canada về chứng chỉ không có thật. Tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra tại các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi mà ngày càng phổ biến tại các thị trường lớn, có uy tín như Hoa Kỳ, Hà Lan, Italia, Na Uy…

Theo Bộ Công Thương, có nhiều lý do làm gia tăng lừa đảo trong thương mại quốc tế. Cụ thể, các doanh nghiệp tại Việt Nam có xu hướng chủ quan, sơ hở trong tiếp cận, soạn thảo điều khoản hợp đồng và cam kết thiếu tính chặt chẽ. Mặc dù, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế.

Cũng có trường hợp một số doanh nghiệp sở tại không chủ ý lừa đảo nhưng chậm chạp trong quá trình thanh toán. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới: soạn thảo hợp đồng rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới.

Để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp cận với thị trường nước ngoài. Khi nhận được những đề nghị kỳ lạ, doanh nghiệp Việt cần xác minh rõ ràng thông tin của đối tác; không nên vội tin vào những lời mời chào hấp dẫn của khách hàng mới quen trên không gian ảo.

Ngoài Thương vụ Việt Nam tại các thị thường Âu-Mỹ, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để được hỗ trợ. Đặc biệt, các tin tặc (hacker) có thể xâm nhập hệ thống thư điện tử của doanh nghiệp để mạo danh giao dịch và sửa thông tin tài khoản ngân hàng trên hóa đơn. Nếu doanh nghiệp nhận được một email thông báo của khách hàng lâu năm thay đổi số tài khoản ngân hàng thì phải cảnh giác vì các công ty tại châu Âu hầu như không bao giờ thay đổi số tài khoản ngân hàng, kể cả khi đổi chủ.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.

Ngọc Bích (TTXVN)
Cảnh giác 'sập bẫy' lừa đảo thương mại quốc tế
Cảnh giác 'sập bẫy' lừa đảo thương mại quốc tế

Trước nhiều vụ việc doanh nghiệp Việt Nam gặp rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường Âu-Mỹ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo để doanh nghiệp tránh mắc bẫy lừa đảo khi giao dịch xuất nhập khẩu với doanh nghiệp nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN