Đây là tin vui giúp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra rộng đường đưa cá tra Việt ra thế giới. Điều này cũng giúp cho người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có động lực nâng cao chất lượng ao nuôi, mở rộng sản xuất.
Tăng thêm uy tín
Ngành chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp khó khăn kể từ khi Đạo luật "Farm Bill" của USDA ra đời vào năm 2014. Theo đạo luật này, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu cá tra chế biến vào thị trường Mỹ phải đảm bảo 3 tiêu chí gồm: có hệ thống pháp luật kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, cơ quan thẩm quyền; có năng lực thực thi pháp luật; trong toàn bộ quá trình chuỗi sản xuất từ con giống, ao nuôi, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu phải bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, kể từ khi đạo luật Farm Bill ra đời, hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đều trăn trở với nguồn chi phí phát sinh khi tiếp cận thị trường Mỹ.
Trong 13 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, chỉ có hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) và Công ty Biển Đông (Cần Thơ) có thể đáp ứng các tiêu chí của Đạo luật Farm Bill 2014. Nhờ vậy, hai doanh nghiệp này đưa con cá tra Việt Nam vượt ải vào thị trường Mỹ với mức thuế chống bán phá giá bằng 0%. Còn 11 doanh nghiệp khác luôn phải gửi hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp Mỹ xem xét với mức thuế thấp nhất khi tiến vào thị trường này.
Tiếp cận và lưu thông hàng hóa tại thị trường Mỹ luôn là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp. Tại đây, hàng hóa được khẳng định giá trị, nâng cao hình ảnh và chất lượng cá tra ngày càng được cải tiến thông qua các yêu cầu của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vĩnh Hoàn chia sẻ, thị trường Mỹ hiện chiếm 60% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Vĩnh Hoàn. Việc được hưởng thuế nhập khẩu vào Mỹ 0% trong những năm qua là yếu tố thuận lợi giúp Vĩnh Hoàn ghi nhận sự tăng trưởng.
Nguyên liệu cung cấp cho Vĩnh Hoàn thực hiện các đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ có xuất xứ 100% nuôi tại Việt Nam. Vĩnh Hoàn gặp thuận lợi trong việc đưa cá tra thâm nhập thị trường này vì đáp ứng đúng và đủ các tiêu chí của Farm Bill 2014.
Khi USDA công nhận quy trình sản xuất cá tra Việt Nam tương đương với quy trình sản xuất cá da trơn của Mỹ, cá tra Vĩnh Hoàn nói riêng, cá tra Việt Nam nói chung sẽ “dễ thở” hơn khi tiếp cận thị trường này. Các doanh nghiệp cũng tiết giảm nguồn nhân lực cho khâu chuẩn bị hồ sơ cung cấp cho USDA xem xét các điều khoản đã thực hiện theo quy định của Farm Bill. Ngành cá tra sẽ tăng thêm uy tín trên thị trường thế giới.
Vượt qua khó khăn để nhận quyết định công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm tương đương của Mỹ là lúc đã mở ra cánh cửa lớn để doanh nghiệp đưa cá tra Việt Nam trở lại thời hoàng kim như trước đây.
Triển vọng vươn xa
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng trong thời gian công bố quyết định Công nhận tương đương hệ thống an toàn thực phẩm của Mỹ này, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã xem xét thêm cho hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ là Công ty cổ phần Thủy sản NTSF và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) với thuế chống bán phá giá là 0%. Như vậy, trong lần xem xét thuế chống bán phá giá thứ 15, Việt Nam có 4 doanh nghiệp đã vượt qua các tiêu chí kiểm soát an toàn thực phẩm của Bộ Thương mại Mỹ.
Tuy nhiên, toàn ngành vẫn phải có thêm nhiều nỗ lực để có thể vươn ra thị trường thế giới trong thời gian tới. Cụ thể, Quyết định công nhận này có hiệu lực từ 1/11/2019, điều này có nghĩa là toàn ngành cá tra Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn phải đối diện với đợt xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 16. Đây cũng là lần cuối cùng cho giai đoạn từ 1/8/2018 đến 31/7/2019.
Trong lần xem xét tiếp theo, Việt Nam còn 9 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khâu chuẩn bị để giảm chi phí sản xuất, cũng như thương mại sản phẩm cá tra Việt Nam, mới đủ khả năng cạnh tranh khi bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Cùng với việc chuẩn bị cho đợt xem xét chống bán phá giá lần cuối, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ còn phải chuẩn bị nhiều hơn nữa mới đủ lực vào thị trường Mỹ một cách mạnh mẽ, tự tin; lấy thị trường Mỹ làm bàn đạp để vườn ra thị trường thế giới.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang) nhận xét, Công ty Biển Đông và Tập đoàn Vĩnh Hoàn đều có sẵn hệ thống sản xuất, chế biến, giám sát an toàn thực phẩm để đưa sản phẩm cá tra vào Mỹ. Còn Công ty Nam Việt gần như bắt đầu từ con số 0.
Các phụ phẩm như collagen, surimi của Nam Việt cũng đã có đầu ra nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa. Đồng thời, thay vì tự chủ trong sản xuất và chế biến các phụ phẩm, Nam Việt có hướng đi liên kết với doanh nghiệp quốc tế để tạo nên sản phẩm chất lượng, theo tiêu chí an toàn thực phẩm của USDA và yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam vào Mỹ, chiếm thị phần cá tra lớn nhất trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn chia sẻ, dù trong giai đoạn đấu tranh với thuế chống bán phá giá của Mỹ hay đến thời điểm đã được USDA công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, doanh nghiệp không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn đặt mục tiêu đưa sản phẩm cá tra Việt Nam bán trực tiếp tại hệ thống siêu thị nhiều quốc gia; trong đó, có thị trường Mỹ. Làm được những điều này thì ngành cá tra Việt Nam mới có triển vọng vươn xa trên thị trường thế giới.