Canh cánh nỗi lo dù thuế giảm xuống 0%

Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ tài chính) cho biết: Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm nay có thêm 1.706 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%. Số còn lại gồm 669 dòng thuế sẽ xuống 0% vào năm 2018. “Thuế suất ATIGA giảm 0% sẽ tạo thách thức trong kinh doanh nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thị trường các nước trong khu vực”, ông Tùng nói.

Hưởng thuế ưu đãi với điều kiện khắt khe


Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), ASEAN được xem là khu vực phát triển năng động nhất thế giới và là 1 trong 4 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việc giảm thuế sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN.

Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng được đặt ra và doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về tâm thế, năng lực để đón đầu.

“Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu- XNK, cơ quan quản lý cần thiết lập hệ thống thông tin cập nhật kịp thời về biến động thị trường, giá cả, dự báo về chính sách cụ thể từng ngành để giúp các doanh nghiệp có hướng sản xuất, tiêu thụ. Phía Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh các quy định về cho vay đối với doanh nghiệp XNK; ban hành các chính sách hỗ trợ ngân hàng thương mại- NHTM như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái cấp vốn...”

TS Nguyễn Văn Du, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank kiến nghị.

Để được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN, doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ các nước thành viên. Đây là vấn đề nan giải của ngành dệt may Việt Nam khi phần lớn các nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Bà Vũ Thị Lan Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt May Nam Thanh (Hà Nội) trăn trở: “Hiện, 80% các nguyên phụ liệu may mặc của công ty nhập từ Trung Quốc. Để chuyển hướng thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc cần phải có thời gian, lộ trình nhất định. Doanh nghiệp sẽ tính nhập khẩu từ Malaysia để được hưởng thuế suất ưu đãi dù mặt bằng giá nguyên phụ liệu cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10- 15%”.

Giám đốc tài chính Công ty Xuất nhập khẩu LT, ông Giang Văn Thắng lo lắng vì doanh nghiệp vẫn lúng túng khi nắm bắt thông tin về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, lộ trình cắt giảm thuế. Theo ông Thắng, để được hưởng thuế suất ưu đãi trong ASEAN, doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu rất khắt khe khi khai báo hải quan, quy tắc xuất xứ. Có khi chỉ một lỗi chính tả trên tờ khai báo là lô hàng đó sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi và bị truy thu thuế.

Sức ép gõ cửa ngành ô tô trong nước


TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Tác động tổng thể của hội nhập với nền kinh tế Việt Nam là tích cực song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Những ngành vốn được bảo hộ nhiều và những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ gặp khó khăn nhiều nhất khi mất đi sự bảo hộ từ Nhà nước.

Theo các chuyên gia tài chính, tới năm 2018, 7% số dòng thuế trong ATIGA cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng). Trong đó, những ngành chịu tác động lớn nhất là ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy…Theo cam kết ATIGA, thuế nhập khẩu ôtô đã giảm xuống 70% vào năm 2012; 50% vào năm 2014 và sẽ cắt giảm hoàn toàn xuống 0% vào năm 2018. Như vậy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất ít thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép của các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN khi thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc xuống 0%.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2014, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất 466.400 xe trong nước, gấp hơn 3,5 lần năng suất đạt được năm 2014 và sẽ đạt ngưỡng 1,5 triệu chiếc sau 20 năm tới. Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô vừa được phê duyệt, chưa có đủ thời gian để chứng minh hiệu quả thì Việt Nam lại đứng trước áp lực giảm thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 3 năm tới khiến nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước lo lắng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước cũng đang phải đối mặt trước sức ép từ thị trường nhập khẩu ngày càng lớn. 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 1,55 tỷ USD, bằng giá trị nhập khẩu cả năm 2014.. Riêng tháng 6/2015, Việt Nam nhập khẩu 11.000 chiếc với giá trị lên tới 345 triệu USD, tăng 18 triệu USD so với tháng 5/2015 càng minh chứng sức hút của xe ngoại với người tiêu dùng trong nước.

M.Phương-P.Linh
EAEU sẽ xóa bỏ hàng nghìn dòng thuế cho hàng Việt
EAEU sẽ xóa bỏ hàng nghìn dòng thuế cho hàng Việt

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016 sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường 182 triệu dân này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN