Tuy nhiên, từ khi tỉnh Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu (tháng 4/2018), nhiều mỏ đá đứng trước nguy cơ đóng cửa và di dời để bảo vệ cảnh quan, môi trường. Để được cấp phép và hoạt động, các doanh nghiệp đã phải bỏ vốn đầu tư rất lớn, việc đóng cửa mỏ khiến các doanh nghiệp lo lắng, trong khi tỉnh vẫn chưa tìm được phương án tối ưu để cấp mỏ mới và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp khi phải di dời.
Mỏ đá Tàng Cải của Công ty Việt Phát ở xã Dân Chủ, huyện Hòa An, được cấp phép khai thác trong 30 năm, bắt đầu từ năm 2013. Sau 5 năm khai thác, mỏ đang có nguy cơ bị đóng cửa và di dời sang địa điểm khác.
Theo ông Lưu Xuân Bình, Phó Giám đốc Công ty Việt Phát: "Khi biết Công ty thuộc diện phải di dời, chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi đã đầu tư nhiều tỷ đồng để có thể được khai thác mỏ thuận lợi như ngày hôm nay. Nếu phải chuyển đi, chúng tôi đề nghị tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thiệt hại."
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Hợp tác xã khai thác sản xuất vật liệu xây dựng Bó Mu, xã Minh Long, huyện Hạ Lang. Hợp tác xã được cấp phép khai thác đến hết năm 2021. Đầu năm 2018, đơn vị đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung, mỗi ngày sản xuất trên 3 vạn viên gạch, tạo việc làm cho 20 lao động.
Trước thông tin phải di dời, Hợp tác xã đã chủ động tìm địa điểm và có phương án đề xuất với cơ quan chức năng sớm phê duyệt hồ sơ cấp phép khai thác. Ông Nông Văn Eng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất vật liệu xây dựng Bó Mu, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, cho biết: Để lập hồ sơ và được cấp phép khai thác mỏ mới cần thời gian rất dài. Như vậy, 25 công nhân của hợp tác xã sẽ phải nghỉ việc trong thời gian xin cấp phép.
Nhiều mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nằm gần đường quốc lộ, tỉnh lộ, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ. Để tìm được địa điểm khai thác mới đáp ứng các yêu cầu bảo vệ cảnh quan, môi trường và đảm bảo được trữ lượng khai thác là bài toán khó đối với chính quyền địa phương.
Việc di dời các mỏ khai thác đá trong khu vực công viên địa chất là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên làm thế nào để đảm bảo được sản xuất, kinh doanh ổn định và bảo vệ được cảnh quan môi trường, tỉnh Cao Bằng cần sớm có phương án quy hoạch tổng thể, chi tiết các khu vực được phép khai thác; hỗ trợ các đơn vị đang khai thác về mặt thủ tục, hồ sơ để các đơn vị khai thác, sản xuất kịp thời di dời theo quy định.