Mỏ đá Hóa An (thành phố Biên Hòa) sau khai thác trở thành hồ nước mênh mông, sâu hàng chục mét. Ảnh: Công Phong /TTXVN |
Sau khi xem xét, về nguyên tắc, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận kiến nghị này. Từ đầu năm 2018 đến nay đã có 8 mỏ trình hồ sơ giảm sản lượng; các mỏ còn lại đang thẩm định, dự kiến đến tháng 6/2018, toàn bộ 19 mỏ sẽ giảm sản lượng khai thác.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết: Hiện nay, khai thác đá ở Đồng Nai không chỉ cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu cho các công trình xây dựng ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, khi tỉnh thực hiện chủ trương trên, sản lượng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của địa phương và các tỉnh lân cận.
Toàn tỉnh Đồng Nai có 34 mỏ đá xây dựng, tổng công suất khai thác mỗi năm trên 32 triệu m3. Trong năm 2018, sản lượng khai thác đá sẽ giảm, dự kiến chỉ đạt khoảng 15 triệu m3. Hơn một nửa sản lượng này xuất bán cho các tỉnh miền Tây Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Để các chủ mỏ đá chấp hành chủ trương giảm sản lượng khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ thực hiện giám sát thông qua quá trình đo vẽ bản đồ, kiểm kê trữ lượng tại các mỏ.
Những năm qua, khai thác đá ở Đồng Nai gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tình trạng xe chở đá phá đường, phóng nhanh, gây bụi, tiếng ồn là vấn đề nhức nhối tại Đồng Nai. Việc giảm sản lượng khai thác đá là để giữ nguồn khoáng sản cho thế hệ tương lai và giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Để chấn chỉnh những bất cập trong khai thác đá, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang thực hiện nhiều giải pháp như: Lắp camera giáp sát, hệ thống truyền dữ liệu ngay tại các bàn trạm cân của các mỏ đá; rút giấy phép khai thác đối với mỏ đá nhiều lần vi phạm về tải trọng; lập các chốt kiểm tra ở các tuyến đường xe chở đá thường xuyên lưu thông.