Cần chính sách hỗ trợ chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân

Việc đào tạo các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng sẽ giúp ngư dân được phổ cập các kiến thức, kinh nghiệm đánh bắt cũng như trang bị những kiến thức để tránh rủi ro trên biển, từ đó giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Chú thích ảnh
Nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ các điều kiện thuyền trưởng. Ảnh: TTXVN phát

Theo quy định, tàu cá muốn xuất bến phải đáp ứng các yêu cầu về chức danh thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên... Tuy nhiên, hiện nay tại Quảng Ngãi có nhiều tàu cá có chiều dài từ 6 - 12 m của ngư dân chưa đáp ứng yêu cầu này.

Quảng Ngãi hiện có hàng nghìn tàu cá dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi; tổng số lao động trực tiếp sản xuất trên biển khoảng 37.000 người. Trên thực tế, hầu hết ngư dân đánh bắt trên biển chỉ làm ăn bằng kinh nghiệm là chính; trong đó, nhiều người chưa được đào tạo các kiến thức cơ bản về thuyền trưởng, máy trưởng, cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến biển, hàng hải. Đây cũng là nguyên nhân, điểm hạn chế trong phát triển nghề khai thác thủy sản ở Quảng Ngãi.

Ngư dân Trần Duy Chúc, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi có kinh nghiệm 10 năm đi biển. Trước đây anh không nghĩ đến việc đi học chứng chỉ đào tạo thuyền trưởng. Bởi thuyền của anh là thuyền nhỏ, khai thác ven bờ. Nhưng theo quy định tại Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT, Quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản, thì nhóm tàu cá có chiều dài 6 - 12 m, sản xuất ven bờ, muốn vươn khơi phải đáp ứng quy định có 1 thuyền trưởng tàu cá hạng III và ít nhất 1 thuyền viên. Do đó, tàu cá của anh muốn vươn khơi phải thuê thuyền trưởng hoặc bản thân anh phải học chứng chỉ.

“Trước đây ông, cha tôi đi biển nên đến đời tôi cũng nối nghiệp cha ông. Tàu của tôi rất nhỏ, trước đây không phải thực hiện các thủ tục đăng kiểm khi vươn khơi. Nhưng nay quy định phải có chứng chỉ thì tôi chưa biết phải làm sao. Vì tàu nhỏ, hoạt động ven bờ, thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu là lấy công làm lời, nên giờ muốn đi học cũng gặp nhiều khó khăn. Còn thuê thì càng khó khăn hơn vì chi phí quá lớn và không có nhiều người chịu đi biển cho thuyền nhỏ”, anh Chúc nói.

Được biết, thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ (về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010- 2020), từ năm 2011-2015, có khoảng 3.100 ngư dân đã tham gia các lớp đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng. Tuy nhiên, từ năm 2016 thì các lớp đào tạo cho ngư dân đã bị dừng lại. Do đó, mong muốn của ngư dân là cơ quan chức năng tiếp tục mở các lớp đào tạo chứng chỉ có hỗ trợ kinh phí cho bà con. Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, cho biết, qua thống kê, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi có gần 200 người có nhu cầu đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng.

Để theo học một trong các chứng chỉ này ngư dân phải nộp 2,5 triệu đồng cho cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, phần lớn đây là những ngư dân khai thác hải sản ven bờ, thu nhập thấp. Do vậy, để tạo điều kiện cho ngư dân thì Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ đã phối hợp với cùng với chính quyền địa phương lập danh sách tất cả các phương tiện và ngư dân đang cần học các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cũng như các chứng chỉ hành nghề khác để đề xuất cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bà con về kinh phí để họ có điều kiện học tập, đáp ứng các nhu cầu vươn khơi, bám biển.

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng kiểm tra các tàu cá nhỏ. Ảnh: TTXVN phát

Việc đào tạo các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng sẽ giúp ngư dân được phổ cập các kiến thức, kinh nghiệm đánh bắt cũng như trang bị những kiến thức để tránh rủi ro trên biển, từ đó giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt. Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ để mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho ngư dân. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười cho biết, nhu cầu về đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng để đáp ứng cấp các giấy tờ cho tàu cá là có.

Do đó, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ có văn bản gửi các địa phương nhằm khảo sát nhu cầu, từ đó có kế hoạch phối hợp với các Trường có chức năng để mở các lớp đào tạo cho ngư dân. Đồng thời, Chi cục cũng sẽ kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nhằm đưa ra những chính sách hỗ trợ để mở các lớp đào tạo nghề cho ngư dân.

Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, việc đào tạo nghề cho ngư dân để giúp họ có thêm kiến thức khi hoạt động trên biển là hết sức cần thiết để họ tự tin vươn khơi, bám biển.

Đinh Hương (TTXVN)
Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thủy sản 2017. Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá. Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN