Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung Việt Nam cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát". Đây là hoạt động trung tâm thuộc chuỗi hoạt động 2022 do Samsung và các đối tác tại Việt Nam hợp tác tổ chức.
Doanh nghiệp chưa định hướng rõ ràng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch COVID-19 và các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang thời gian vừa qua đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu; đặc biệt là nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung.
“Do đó, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Song điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp khi năng lực sản xuất, quản trị, chất lượng sản phẩm … chưa thể đáp ứng đúng yêu cầu và các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn đặt ra”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp đã chia sẻ báo cáo nghiên cứu năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Lương Minh Huân, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu với 62,1% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; 51,1% sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam đến từ việc tiêu thụ sản phẩm từ bên ngoài và 11% sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam đến từ việc cung cấp sản phẩm ra bên ngoài.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa định hướng rõ ràng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có tới 64,7% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chỉ 15,3% doanh nghiệp có chiến lược/định hướng tổng thể trong dài hạn và 10,2% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong trung hạn, con số khiêm tốn 5,4% doanh nghiệp đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp hành động trong ngắn hạn và chỉ có 4,4% doanh nghiệp đã triển khai các hành động cụ thể.
“Doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào giải quyết những khía cạnh thuộc "phần ngọn" của vấn đề, hơn là tập trung giải quyết các khía cạnh tiền đề, các khía cạnh thuộc về năng lực nền tảng. Khả năng đáp ứng yêu cầu đối tác của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chỉ ở mức trung bình, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn khi đáp ứng các yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn, kỹ thuật”, ông Lương Minh Huân cho hay.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, kết quả trên là từ cuộc khảo sát 500 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đây đều được đánh giá là doanh nghiệp lớn của Việt Nam. “Tôi rất bất ngờ và lo ngại khi có tới 64,7% doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng mà chưa có chiến lược cụ thể. Đáng nói, 500 doanh nghiệp này mặt bằng đều khá mà năng lực động chỉ ở mức trung bình khá. Đồng thời, khả năng đổi mới sáng tạo là mấu chốt để có vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại rất yếu. Đó là câu hỏi lớn đặt ra cần giải quyết”, bà Trần Thị Lan Anh lo ngại.
Kết hợp đồng bộ trong xây dựng và triển khai chính sách
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới. Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh.
Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đánh giá, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực đạt mục tiêu kép phòng dịch và phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế tốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Trong xu hướng chuyển dịch sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng từ sau COVID-19, Việt Nam đang có một số lợi thế bao gồm sự nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, và nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Tôi nghĩ rằng điều cần thiết trong việc nhân đôi và phát triển hơn nữa những lợi thế này đó chính là mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và cần phải có những nỗ lực trung – dài hạn trong tương lai”, ông Choi Joo Ho cho biết.
Cũng theo ông Choi Joo Ho, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung đã và đang phối hợp cùng Bộ Công Thương để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệp hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nước. Ngoài ra, Samsung cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của mình, đồng thời nỗ lực đảm bảo cho các nhân viên được làm việc trong môi trường tôn trọng, an toàn, đảm bảo về bình đẳng giới, tuân thủ các luật pháp về lao động và nhân quyền.
Với những nỗ lực đó, kết quả tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp của doanh nghiệp Việt bao gồm cả cấp 1 và cấp 2 của Samsung là 250 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 52 doanh nghiệp. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp 1 vào năm 2014.
Để nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp đưa ra khuyến nghị cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các các giải pháp về nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Cần làm tốt hơn công tác đánh giá tác động của chính sách, từ đó xác định và điều chỉnh các nội dung chính sách cũng như đề xuất các chương trình cải cách trong tương lai. Xây dựng nền tảng để giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu: công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ,...”, ông Lương Minh Huân khuyến cáo.
Đối với các doanh nghiệp, theo VCCI, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện. Đồng thời, có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng.
Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau từ các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…
Đặc biệt, các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khác cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, giữa các doanh nghiệp trong các ngành, giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tăng cường năng lực hoặc kết hợp với các tổ chức khác để thực hiện các nghiên cứu thị trường để cung cấp thông tin về ngành, công nghệ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nhất là các cấu thành của năng lực động; phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Marcub Piatkowski, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ban Tài chính, cạnh tranh và đổi mới toàn cầu (Ngân hàng thế giới) cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh đóng vai trò then chốt, xây dựng thể chế để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh hơn. Đặc biệt, ông Marcub Piatkowski nhấn mạnh, Việt Nam cần có chính sách quan tâm và đầu tư vào nguồn lực con người, đây là yếu tố then chốt trong mọi vấn đề.
Diễn đàn Đa phương (MSF) là một sáng kiến của Samsung Việt Nam, bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức Phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp. Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.