Cải thiện CPI và sức mua những tháng cuối năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thấp trong những tháng gần đây và đến tháng 6/2012, mức tăng CPI ở mức âm. Có thể là quá sớm khi đề cập tới nỗi lo về dấu hiệu thiểu phát nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo cần phải thận trọng trước tín hiệu CPI đi xuống.

 

Nhiều dự đoán về CPI cũng như giải pháp điều hành giá cả, thị trường từ nay đến cuối năm đã được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2012” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 11/7.

 

PGS. TS Ngô Trí Long, một chuyên gia về thị trường giá cả đã không giấu được sự băn khoăn về việc CPI trong năm 2012 sẽ tăng bao nhiêu, CPI từ nay đến cuối năm sẽ ra sao. Hiện tại sau 6 tháng, CPI chỉ tăng có 2,52%, nghĩa là so với mục tiêu cao nhất là 9%, thì “dư địa” tăng CPI cả năm còn tới 6,48%. Theo ông Long, việc dự đoán CPI từ nay đến cuối năm có vẻ khó khăn hơn khi CPI đang diễn biến không theo quy luật. Theo quy luật, CPI sau Tết Nguyên đán thường tăng mạnh rồi giảm dần ổn định, thì nay lại sụt giảm mạnh bất thường. Ngoài ra, việc dự đoán còn phụ thuộc vào độ trễ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và thị trường của Chính phủ. Trong đó phải kể đến tác động của Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.


 

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Chuyên gia kinh tế này cho rằng: Từ nay đến cuối năm, những yếu tố đáng chú ý có thể tác động đến CPI là tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã siết chặt việc lách trần lãi suất huy động. Song, vấn đề là khả năng hấp thụ vốn của DN. Nếu không hấp thụ được vốn, thì việc giảm lãi suất sẽ giảm đi ý nghĩa. Thực tế hiện nay DN đang khó khăn nhất là đầu ra, hàng tồn kho lớn. Nếu từ nay đến cuối năm không cải thiện tình hình hàng tồn kho, thì việc hấp thụ vốn cũng vẫn rất khó khăn. Khi đó, sản xuất tiếp tục đình đốn và CPI tiếp tục thấp, kinh tế có chiều hướng suy giảm.


Để tạo điều kiện hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh của DN, TS Nguyễn Thị Nhiễu đã đồng tình các biện pháp điều hành tiền tệ linh hoạt của NHNN thời gian qua để hỗ trợ DN vừa và nhỏ cũng như các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động của các ngân hàng. Theo TS Nhiễu, đối với các DN trong điều kiện có nhiều thách thức như hiện nay thì việc tăng cường năng lực và chất lượng trong quản trị DN nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh là việc làm cấp thiết và có ý nghĩa chiến lược lâu dài.


Chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh hoạt động marketing, phân phối, xúc tiến thương mại trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu của cả Nhà nước và DN sẽ giúp giảm lượng tồn kho, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN và giúp đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay.


Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thép Nguyễn Tiến Nghi cũng đề xuất giải pháp thiết thực giúp DN thép vượt khó để kích thích tiêu thụ mặt hàng thép như: Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% giảm xuống 0 - 5% vào một thời gian xác định nhằm khuyến khích tiêu dùng; ưu tiên giải ngân các công trình xây dựng của Trung ương và địa phương được xác định: Giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng; từ vốn vay của ngân hàng phải tạo thuận lợi để các DN xây dựng nhanh chóng tiếp cận vốn vay.


Bên cạnh những biện pháp tháo gỡ, một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán từ nay đến cuối năm, nhất là từ tháng 9/2012 trở đi, nhu cầu mua sắm hàng hóa của DN và người dân sẽ tăng lên thông qua các dịp lễ lớn, chuẩn bị cho các ngày tết… Nếu kinh tế phát triển khá, sản xuất ổn định, thu nhập tăng lên thì chắc chắn sức mua sẽ cải thiện hơn.


Đồng tình với dự đoán sức mua sẽ khởi sắc vào dịp cuối năm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải thúc đẩy sản xuất, cân đối cung cầu, đưa thẳng sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng với chi phí thấp nhất; tiếp tục chống đầu cơ, buôn lậu, thao túng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội. Nhà nước cần xây dựng một môi trường kinh doanh sản xuất lành mạnh, công khai; tiếp tục cải cách hành chính, giảm bớt những chi phí đăng ký thành lập và vận hành DN. Nếu thực hiện được tốt các giải pháp trên, CPI 6 tháng cuối năm sẽ ở mức 6% và như vậy, mức lạm phát sẽ là hợp lý”.

 

Minh Phương

CPI tháng 5 tăng 0,18%
CPI tháng 5 tăng 0,18%

Trái với các dự đoán về tác động kép của việc tăng giá xăng và tăng lương cơ bản, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2012 cả nước chỉ tăng nhẹ 0,18 % so với tháng 4 và tăng 8,34% so với cùng kỳ 2011.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN