Cách nào xử lý tình trạng ‘quỵt nợ’ vay online?

Tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen” do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức) ngày 31/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết: Một số đối tượng đã lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm “tín dụng đen”, cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức “tín dụng đen” để không trả nợ và ngang nhiên thành lập các hội “bùng nợ” trên Zalo, Facebook...

Chú thích ảnh
 Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA).

Vay tiền online là thỏa thuận dân sự

Các chuyên gia tài chính cho rằng: Việc "bùng nợ" vay tiêu dùng đang báo động về trách nhiệm trả nợ của người vay, cần có hành lang pháp lý cụ thể, chặt chẽ hơn để quản lý việc cho vay tiêu dùng.

Người sử dụng mạng chỉ cần gõ từ khóa “bùng nợ” trên Facebook, lập tức trang mạng sẽ hiển thị một loạt nhóm với tên gọi: Các Hội bùng App vay tiền online; Bùng nợ F88, tổ chức tín dụng ngân hàng; chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu… Những nhóm, hội này đã “mọc như nấm” tới vài chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên. Trong hội nhóm dạy “bùng nợ”, các đối tượng đều sử dụng triệt để tính ẩn danh của không gian mạng để lôi kéo người tham gia vay qua ứng dụng. Nhóm này sập, nhóm mới lại được lập. 

Chú thích ảnh
Chưa có chế tài xử lý nghiêm khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ.

Những bình luận, câu hỏi hiển thị công khai, nhưng với tài khoản ẩn danh hỏi cách “bùng nợ”, “quỵt nợ”. Nhiều người còn bày cách, mời chào sử dụng dịch vụ "bùng nợ". "Em vay bên 50 triệu chưa đóng tháng nào, nay không có khả năng trả, liệu có bùng được không ạ?", một tài khoản mạng xã hội đặt câu hỏi. "Ít nhất phải trả 2 - 3 tháng rồi bùng bạn nha", một tài khoản khác trả lời. Một tài khoản trả lời: "Bùng được hết, không bị kiện cáo gì đâu. Mình làm sale, nhiều khách vay 70 triệu trả đóng tháng nào vẫn không thấy kiện cáo gì"…

Một số luật sư cho rằng: Bất cứ trường hợp nào cố tình xóa dấu vết, thay tên họ tên, có hành vi gian dối hay trốn nợ hay bất kể hành vi gian dối nào nhằm trốn nợ sẽ vi phạm tội hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vay tiền online là thỏa thuận dân sự. Trường hợp người vay cố tình không trả, lại dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền vay, có thể bị xử lý về tội chiếm đoạt tài sản quy định tại Bộ luật Hình sự.

"Bạn có một khoản nợ, bạn sẽ rất khó vay mượn tiếp để kinh doanh nếu lịch sử tín dụng nằm vào danh sách "đen". Đề án 06 của Bộ Công an liên quan đến cơ sở dữ liệu sẽ là nền tảng cho câu chuyện quản trị. Trước đây, người trốn nợ có thể lẩn khuất trên môi trường không gian mạng, nhưng với Đề án 06, dữ liệu dân cư sẽ được quản lý chặt, lúc đó kẻ xấu sẽ gần như không có cơ hội", Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia công nghệ, người ngoài khó có thể can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu của các tổ chức tín dụng (TCTD) bởi dữ liệu được lưu giữ cẩn thận ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí được mã hóa. Ngay nhân viên các TCTD muốn thực hiện cũng sẽ để lại dấu vết. Do vậy, người dùng không nên tin vào việc mất phí để có thể chỉnh sửa thông tin cá nhân nhằm xóa nợ. Nếu tham gia vào dịch vụ này, còn tiềm ẩn rủi ro lớn như nợ không bùng được, mà còn rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang" khi thông tin cá nhân bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện các giao dịch phi pháp. 

Nếu ai cố tình thực hiện các hành vi, thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền vay của các TCTD, còn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với các ứng dụng cho vay không chính thống hay còn gọi là “tín dụng đen”, nếu người dùng có tư tưởng "vay rồi quỵt nợ" sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị khủng bố, bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và sức khỏe khi món nợ tới ngày hẹn mà không trả.

Chú thích ảnh
Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách "bùng nợ" vay.

Đề cập tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Quyền Tổng Giám đốc Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho rằng: Nguyên nhân của “bùng nợ” do khách hàng chưa nhận thức rõ về hậu quả mang lại. Việc hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến nhân viên của các công ty tài chính gặp khó trong thu hồi nợ, thậm chí bị khách hàng đe dọa, sử dụng bạo lực.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng: Nếu có nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu cá nhân, trước hết người vay cần tìm hiểu từ những TCTD uy tín của các ngân hàng với các chính sách đảm bảo điều kiện cho người dân. Nếu tiếp cận với các ứng dụng vay tiền hợp pháp, khách hàng cần tìm hiểu rõ các quy định thỏa thuận, tránh gặp phải những hậu quả không đáng có.

Cần khung pháp lý cho dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng. 

Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp... ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng. Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính áng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống và có thể sẽ bị buộc phải tìm đến “tín dụng đen” để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết.

Bên cạnh đó, tình trạng “tín dụng đen” "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính... khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, Fintech được cấp phép chính thống, đâu là “tín dụng đen”, kéo theo hiện tượng một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng “bùng nợ” trên mạng xã hội càng khiến thị trường vay tiêu dùng bị "méo mó"

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, đại diện VNBA cho biết: Nợ xấu của nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã tăng lên ở mức rất cao và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Việt Nam cần phải xây dựng hệ thống văn bản luật để quản lý tốt hơn việc cho vay tiêu dùng, tránh những hệ lụy lâu dài cho người dân, các TCTD và cho xã hội.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thời gian qua, các công ty tài chính đã tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”. Ước tính đến ngày 31/8, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,671 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là hơn 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).

Song theo đại diện VNBA, các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao. Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ. Theo báo cáo Fiin Group, nợ xấu tại các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% cuối năm 2022 lên tới 12,5% sau 6 tháng năm 2023. 

"Có cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên Zalo, Facebook... nhưng không bị xử lý", ông Nguyễn Quốc Hùng trăn trở.

Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao. Theo thống kê, nợ xấu của các công ty tài chính đã lên đến 8 - 10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. "Công ty tài chính tiêu dùng đang hoang mang không biết thu nợ như thế nào? Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử lý với những người cố tình chây ì, trốn nợ như thế nào?", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Chú thích ảnh
Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Mcredit.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Mcredit chia sẻ: Nhiều công ty tài chính được NHNN cấp phép đang bị đánh đồng với những tổ chức “tín dụng đen”, khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. "Có 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này đang bị pha loãng bởi sự xâm lấn của hàng trăm TCTD phi chính thức hay còn gọi là “tín dụng đen”. Việc bùng nổ các App cho vay tiêu dùng giả danh, khiến góc nhìn của nhiều người đối với hoạt động của các công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó", ông Lê Quốc Ninh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của một số bộ phận khách hàng cũng đang gây khó khăn lớn cho các công ty tài chính. Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ lụy lớn cho cho thị trường, cũng như các công ty tài chính. 

Ông Lê Quốc Ninh cho rằng: Giải pháp căn cơ nhất là những chính sách hỗ trợ vực dậy nền kinh tế; các chính sách tiền tệ, tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp hồi phục thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống, phân biệt rõ với hoạt động tín dụng đen. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ cho các lực lượng thu hồi nợ và nhân sự của các công ty tài chính tiếp cận khách hàng để tìm giải pháp, thay vì có những giải pháp tiêu cực, thậm chí ngăn cấm như hiện tại.

"Việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng bởi khách hàng không có tài sản đảm bảo. Hoạt động cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp, ý thức trả nợ của khách hàng", ông Lê Quốc Ninh chia sẻ.

Đại diện Mcredit đề nghị: NHNN cần hoàn thiện các quy định đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Đáng chú ý cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp; đề nghị NHNN áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính có sự khách biệt so với các ngân hàng thương mại, phù hợp với đặc thù hoạt động và cho vay với đối tượng có thu nhập trung bình, thấp, không ổn định… của các công ty tài chính.

Bài, chùm ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Triệt phá ổ nhóm hoạt động 'tín dụng đen' tại các tỉnh miền Trung
Triệt phá ổ nhóm hoạt động 'tín dụng đen' tại các tỉnh miền Trung

Ngày 6/10, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phá thành công chuyên án "tín dụng đen", làm rõ 15 đối tượng liên quan hoạt động liên tỉnh cho vay lãi nặng, với lãi suất từ 110 - 360%/năm; bắt giữ đối tượng cầm đầu, chủ mưu là Đặng Ngọc Đức (sinh năm 2001, trú tại xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN