Cách mạng Công nghiệp 4.0: Động lực hay rào cản cho doanh nghiệp?

Dây chuyền sản xuất tự động hay sử dụng robot thay cho công nhân là những bước đột phá mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Nó đang làm thay đổi cơ bản hoạt động sản xuất, tạo ra năng suất vượt trội cho các doanh nghiệp biết chủ động nắm bắt.

Chuyển mình nhanh, thành công lớn

Nhớ lại thời điểm những năm 2010 - 2011, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông vẫn chưa quên được những khó khăn chồng chất. Xu hướng tiêu dùng chuyển từ các sản phẩm chiếu sáng truyền thống sang các sản phẩm chiếu sáng hiện đại, tiết kiệm điện, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc giá rẻ khiến Rạng Đông không khỏi áp lực.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động của bóng đèn LED Rạng Đông. Ảnh: VH

Xác định muốn vượt qua khó khăn này, không có cách nào khác là phải ứng dụng công nghệ mới vượt trội các đối thủ, chế tạo sản phẩm phù hợp xu hướng thời đại và thị hiếu người tiêu dùng, tháng 4/2011, Rạng Đông đã thành lập Trung tâm R&D Chiếu sáng, quy tụ các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực quang học - điện tử của Việt Nam để xây dựng nền tảng công nghệ điện tử, từ đó sản xuất bóng đèn LED tiết kiệm điện. Đầu năm 2014, Rạng Đông tiếp tục thành lập xưởng LED – điện tử sản xuất bóng đèn quy mô công nghiệp.

Chỉ 5 năm sau, Rạng Đông đã làm chủ được công nghệ điện tử. Dây chuyền sản xuất bóng đèn LED của Rạng Đông là hoàn toàn tự động, tiết kiệm được rất nhiều nhân lực và lại cho năng suất rất cao. Công ty còn tự chế tạo được các dây chuyền sản xuất sản phẩm LED cho riêng mình, có dây chuyền nước ngoài còn đang nghiên cứu.

Công nhân vận hành thiết bị tự động cũng như đội ngũ lao động trên các dây chuyền được các chuyên gia, giảng viên Đại học hàng đầu đào tạo, năng suất các dây chuyền tăng 20%, 50%, thậm chí trên 100%. Nhờ đó doanh thu liên tục tăng, số lao động liên tục giảm, năng suất lao động toàn công ty tăng đều đặn 20%/năm.

Cụ thể, năm 2010, Rạng Đông mới tiêu thụ được 13,9 nghìn sản phẩm LED, doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng thì đến năm 2018, Rạng Đông đã tiêu thụ được 32,9 triệu sản phẩm, doanh thu 2.211 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong 8 năm, lượng tiêu thụ bóng đèn LED đã tăng gần 2.400 lần, doanh thu tăng trên 1.500 lần.

"Sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong nước, đánh bại các doanh nghiệp (DN) có ý định làm giàu bằng việc nhập đèn LED giá rẻ Trung Quốc về bán tại Việt Nam", ông Nguyễn Đoàn Thăng cho hay.

Năm 2019, DN phấn đấu vươn lên một tầng công nghệ cao hơn, chuyển từ công ty công nghệ sang công ty công nghệ cao, sản xuất sản phẩm Xanh – Thông minh – Vì sức khỏe con người – sản phẩm của thời kỳ Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0. Ngay đầu năm, chiếc bóng đèn tròn nhưng với dây tóc LED của Rạng Đông đã ra đời, thể hiện sự đổi mới không ngừng của công ty.

Cũng tận dụng những cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 đem lại, Tổng Công ty May 10 đã có một quyết định để mở rộng quy mô sản xuất là thay vì làm một nhà máy mới, May 10 đầu tư cho khâu cắt tự động. 20 máy cắt tự động được nhập về rải khắp các nhà máy của May 10, giá mỗi máy khoảng 5 tỷ đồng cũng ngang với đầu tư một nhà máy mới.

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp 2, May 10 Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Việc “robot hoá” một số khâu cũng giúp tiết kiệm nhiều nhân lực. Những khâu rất khó trước đây như vào cổ, cắt, mổ túi của áo sơ mi, veston được chuyển sang làm tự động bằng máy với độ chính xác cao hơn. Một robot tự động có thể thay thế 8 công nhân làm việc.

“Các DN dệt may đã nâng cao được chất lượng sản phẩm thông qua đầu tư chiều sâu, áp dụng công nghệ mới. Xét tổng thể số lượng lao động có thể ít hơn nhưng lại làm ra sản lượng cao hơn. Còn nếu cứ mở tràn lan nhà máy mới, lương trả công nhân 4-5 triệu đồng/tháng thì sẽ phải đào thải liên tục”, ông Nguyễn Phú Chiến, Trưởng phòng kỹ thuật, Tổng Công ty May 10 chia sẻ.

Không thể “đi bên lề”

Theo một chuyên gia kinh tế, trong xu thế của CMCN 4.0, DN dù muốn hay không cũng vẫn phải bước chân vào thế giới phẳng, phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu. Nếu DN nào thờ ơ với xu thế này cũng đồng nghĩa với việc tự “đào thải” mình.

Không còn là chuyện của lý thuyết, những thành bại của việc tiếp cận CMCN 4.0 đều đã “nhãn tiền”, tuy nhiên, không phải DN nào của Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt và thành công như Rạng Đông, như May 10; nhất là với những DN vừa và nhỏ. Điều này cũng có lý do của nó: Đa số DN Việt Nam còn yếu về tiềm lực, cả về tài chính, cũng như kinh nghiệm và thậm chí là các mối quan hệ để có thể mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX (hoạt động trong lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, thương mại điện tử), nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam còn đang rất mơ hồ về CMCN4.0, trong khi đó thế giới lại đang biến đổi từng ngày.“DN nhỏ và vừa dù biết đến những thuật ngữ như 'vạn vật kết nối', 'ứng dụng IoT' nhưng họ thậm chí không biết rõ rằng sẽ ứng dụng cái gì trong đó. Nhiều DN đang mơ hồ với CMCN 4.0 và không biết phải bắt đầu từ đâu”, ông Hùng nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Kết quả điều tra, nghiên cứu do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp quốc thực hiện năm 2018 cho thấy, hầu như các DN chưa sẵn sàng. Số lượng DN quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 như tự động hóa vào quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Do hầu hết DN Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, mối liên kết giữa DN với các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả.

Bất cập là như vậy, nhưng CMCN 4.0 đã là xu thế và không có nhiều cơ hội cho những DN đứng ngoài cuộc mà có thể thành công; vậy nên, đã đến lúc dù là DN nhỏ hay siêu nhỏ, cũng phải chuyển mình, tận dụng cơ hội và vươn lên. Có thể bằng con đường tự thân, có thể bằng cách kết hợp lại, tạo ra một sức mạnh chung để có thể tận dụng những gì 4.0 mang lại.

Bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những định hướng, cũng như cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để DN có thể từng bước ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực và trình độ của mình.

Rạng Đông, May 10 có thể chính là những tấm gương, là những kinh nghiệm để DN học hỏi; trong hành trình tiếp cận và tận dụng những ưu thế của cuộc CMCN 4.0. Bởi như đã nói ở trên, không phải còn là chuyện có thể tính toán là dậm chân tại chỗ, DN chỉ có thể hoặc tiến lên, hoặc bị lùi trong thế giới phẳng của ngày hôm nay.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), sáng 18/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo ASEM về Thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN