Kiểm tra lần cuối con tàu mang số hiệu QNa 91078 TS có công suất 900 CV, chuyên nghề lưới vây, ông Lê Minh Trí chủ tàu kiêm thuyền trưởng phấn khởi cho biết, tổng kết năm 2021 vừa qua, 12 lao động trên tàu có thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/tháng. Riêng chủ tàu có lãi trên 2,2 tỷ đồng.
"Chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm này, tàu đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, vật tư, nhiên liệu và đá cây đủ dùng trong 2 tháng. Năm nay, ra khơi trong khi giá nhiên liệu tăng cao nên chi phí đầu tư cho sản xuất tăng lên đáng kể. Chúng tôi mong tiếp tục được hỗ trợ về xăng dầu, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên và phương tiện để có thêm động lực vươn khơi bám biển dài ngày", thuyền trưởng Lê Minh Trí chia sẻ.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải, huyện Núi Thành Trần Văn Khoa cho biết, nhờ đầu tư phương tiện theo hướng nâng cao công suất, lắp đặt thiết bị đi biển hiện đại cộng với khả năng bảo quản sản phẩm không ngừng được cải thiện, trong năm 2021 vừa qua, hàng trăm tàu cá của ngư dân Núi Thành đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Trong số gần 2.000 tàu thuyền hiện có của ngư dân trong huyện, tàu có công suất từ 900 CV trở lên lên đến trên 750 chiếc, tập trung ở các xã Tam Quang, Tam Hải và Tam Giang. Với khí thế đầu năm như thế này, chúng tôi hy vọng sẽ có mùa khai thác hiệu quả trong năm 2022.
Ra khơi đánh bắt hải sản vụ cá Nam năm 2022, huyện Núi Thành có hơn 1.900 tàu thuyền các loại với tổng công suất hơn 220.000 CV. Hầu hết tàu thuyền của ngư dân trong huyện đều trang bị đầy đủ các phương tiện dụng cụ hiện đại như: máy định vị, bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy thăm dò cá, ngư lưới cụ. Tuy giá nhiên liệu có tăng, song ngư dân Núi Thành vẫn kiên trì bám biển, vươn ra ngư trường xa bờ để đánh bắt dài ngày với mục tiêu khai thác đạt 46.000 tấn hải sản các loại.
Ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nhấn mạnh, xác định khai thác hải sản xa bờ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân được sử dụng nhiều nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm cải tạo, nâng cấp và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn gắn với các trang thiết bị đi biển hiện đại, giúp ngư dân vươn khơi bám biển vừa đảm bảo khai thác có hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá, để chuẩn bị cho ra khơi đánh bắt hải sản vụ cá Nam năm 2022, ngư dân Quảng Nam đã đóng mới, cải hoán, đưa vào khai thác hơn 20 tàu cá được trang bị đầy đủ các trang thiết bị đểnâng cao hiệu quả đánh bắt và năng bảo quản sản phẩm. Đội tàu xa bờ của Quảng Nam hiện đã đật trên 1.000 chiếc, có công suất từ 90CV trở lên, tham gia khai thác hải sản ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa Huyện với các nghề chủ lực là: Lưới vây ngày, vây đêm, mành chụp và câu mực khơi.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã lần lượt đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng các bến neo đậu tàu thuyền kết hợp cảng cá Hồng Triều (huyện Duy Xuyên), Tam Quang, An Hòa (huyện Núi Thành), các bến cá Tam Phú (thành phố Tam Kỳ), Thanh Hà (thành phố Hội An) gắn với nâng cao năng lực dịch vụ hậu cần nghề cá để vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình sơ chế, phân loại và tiêu thụ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển cho ngư dân. Năm 2022 và những năm tiếp theo,tỉnh duy trì sản lượng khai thác mỗi năm đạt từ 192.000 đến 195.000 tấn hải sản các loại.