Các hộ nuôi hàu ở Quảng Ninh gặp khó vì thiếu quy hoạch 

Thiếu quy hoạch vùng nuôi, chế biến dẫn đến hệ lụy các tổ chức, cá nhân nuôi và chế biến hàu ở xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) không đủ thủ tục thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội ở địa phương.

Chú thích ảnh
Nghề xẹp hàu tạo nhiều việc làm thu nhập ổn định ở Đầm Hà. 

Từ đầu năm 2023, một mô hình phát triển kinh tế mới được chính quyền, người dân xã ven biển Đầm Hà đánh giá cao, đó là việc hình thành các cơ sở xẹp hàu (bóc hàu) tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 300 công nhân lao động, cá biệt có lúc thu hút được khoảng 800 lao động thời vụ theo ngày. Thu nhập bình quân đầu người lao động ổn định từ 250.000 đồng – 600.000 đồng/ngày/người. Tính đến tháng 11/2023, cả xã có 6 cơ sở xẹp hàu đang hoạt động hiệu quả. Sản phẩm hàu tươi của xã Đầm Hà được bán tại các chợ, siêu thị và một phần xuất khẩu sang Thái Lan.

Bí thư Đảng ủy xã Đầm Hà, bà Hoàng Mỹ Linh cho hay, các cơ sở xẹp hàu đã giúp giải quyết cho nhiều lao động không có việc làm ở mọi lứa tuổi; trong đó có nhiều người già hết tuổi lao động tham gia và cả những người yếu thế bị tàn tật.

Mô hình cũng đảm bảo thu mua cho các hộ nuôi hàu, hải sản trên địa bàn huyện Đầm Hà được bình ổn giá, giúp cho nhân dân yên tâm nuôi trồng hàu và thủy sản. Từ đó, kinh tế của địa phương được phát triển, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Chị Đặng Thị Dung, người lao động ở Hợp tác xã Thương mại - Chế biến hàu Đầm Hà cho biết, do mới vào làm trong hợp tác xã nên tay nghề chưa cao, mỗi ngày xẹp hàu chị được gần 300 nghìn đồng. Cứ 2 đến 3 ngày, chủ cơ sở chế biến lại thanh toán tiền công một lần.

Các cơ sở đã ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực thẩm, vệ sinh môi trường; ký hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt với Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Bảo Linh để vận chuyển vỏ hàu xử lý theo quy định. Người dân bản địa đều đồng thuận mô hình kinh tế xẹp hàu đang tạo nhiều công ăn, việc làm ổn định.

Ông Lê Văn Hiển, chủ cơ sở xẹp hàu ở thôn Đầm Buôn cho biết, nhà xưởng bóc tách hàu khá sạch sẽ không bị ô nhiễm. Cứ cuối giờ làm, được phun rửa sạch, nước thải được thu gom về bể lắng 3 ngăn, xử lý bằng vi sinh. Vỏ hàu sau khi bóc được phân làm 2 loại: loại to, mã đẹp có thể tái sử dụng làm vật liệu nuôi hàu; loại xấu thì được đưa đi xử lý theo quy định, hay được nghiền nhỏ làm phân bón cho cây trồng.

Bí thư Đảng ủy xã Đầm Hà Hoàng Mỹ Linh cho hay. các mô hình kinh tế mới trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về thực hiện đúng tất cả các quy định đặc biệt về đất, môi trường, phòng chống chữa cháy, luật lao động cho công nhân làm việc tại đây.

Chú thích ảnh
Thu gom chờ xử lý vỏ hàu sau khi được tách bóc. 

Số lượng cơ sở bóc tách vỏ hàu còn hạn chế 6 cơ sở so với sản lượng thực tế nuôi của hàu vỏ người dân nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Các cơ sở sản xuất còn manh mún, chưa có định hướng, hướng dẫn của các ngành chuyên môn.

"Cái khó nữa là địa điểm bóc tách các cơ sở xẹp hàu chưa được quy hoạch đất. Tất cả các cơ sở xẹp hầu đang tận dụng diện tích đất tự có của gia đình, đi thuê, một số đang sử dụng trên những diện tích đất nông nghiệp khác", Bí thư Đảng ủy xã Đầm Hà Hoàng Mỹ Linh cho hay. 

Bà Đinh Thị Thu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại - Chế biến hàu Đầm Hà mong muốn chính quyền có quy hoạch khu chế biến ổn định để hợp tác xã ổn định sản xuất, có đủ điều kiện để làm các thủ tục theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, đối với các hộ nuôi hàu trên biển còn gặp khó về thủ tục trong việc thuê mặt biển. Hiện nay, trở ngại lớn trong bộ hồ sơ mà cá nhân muốn thuê cần phải có Quy hoạch vùng nuôi, chế biến của chính quyền các cấp, tiếp đến là loạt thủ tục về Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký môi trường, giấy phép bảo vệ môi trường phải được cấp tỉnh phê duyệt. Chi phí làm các thủ tục này lên tới vài ba trăm triệu đồng là khoản tiền lớn đối với các hộ dân nuôi hàu ở địa phương. Vì vậy, đã làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân, giảm sản lượng và không duy trì được việc làm cho người lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của địa phương.

"Cái khó của các hộ nuôi và chế biến hàu ở Đầm Hà là quy hoạch vùng nuôi, chế biến chưa được tỉnh, huyện, xã phê duyệt nên các thủ tục khác để đăng ký nuôi trồng, chế biến hàu bị tắc nghẽn, chưa thể thực hiện. Trong lúc chờ quy hoạch vùng nuôi, chế biến được phê duyệt để tạo cơ sở làm các thủ tục hoạt động kinh doanh, sản xuất cho người dân, chính quyền xã đã hướng dẫn các hộ dân về cam kết ký vận chuyển vỏ hàu, rửa xịt hàng ngày đảm bảo vệ sinh môi trường và ký cam kết, thực hiện phòng chống cháy nổ", bà Đinh Thị Thu cho hay.  

Xã Đầm Hà dự kiến hoàn thành quy hoạch chi tiết 17 ha làm khu vực làng nghề thủ công trong năm 2024. Từ năm 2025 đến 2027 xã sẽ từng bước đưa tất các cơ sở chế biến hầu vào khu làng nghề để thực hiện đúng quy định của nhà nước.

Bài và ảnh: Văn Đức (TTXVN)
Hoàn thiện chính sách cho phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa
Hoàn thiện chính sách cho phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa

Chiều 27/10, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị thủy sản toàn quốc với chủ đề "Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa". Qua đó, nhằm tìm ra giải phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa theo hướng hiệu quả, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN