Trong tuyên bố chung sau hội nghị qua điện thoại, các bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác, và hành động nhanh chóng để thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân nhằm nâng cao khả năng phục hồi của các nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ khôi phục kinh tế mạnh mẽ và bao trùm". Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua, bộ trưởng của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ra tuyên bố chung, sau khi hội nghị năm ngoái đã bị Chile hủy bỏ do bất ổn chính trị, trong khi hội nghị năm 2018 không đưa ra được tuyên bố chung vì bất đồng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của "môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự báo được, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế trong thời điểm đầy thách thức". Đề cập đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các bộ trưởng cho rằng mọi biện pháp thương mại khẩn cấp được thảo luận nhằm giải quyết dịch bệnh COVID-19 "nên là những nỗ lực có mục tiêu, cân xứng, minh bạch (và) tạm thời", mà không tạo ra những rào cản không cần thiết đối với hoạt động thương mại, và phù hợp với quy định của WTO.
Ngoài ra, tại hội nghị trên, các bộ trưởng cũng thảo luận một tuyên bố về tầm nhìn mới cho khu vực, trong đó tập trung vào thương mại tự do và đầu tư. Phát biểu tại cuộc họp báo, với tư cách là người chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết trong số những vấn đề gây tranh cãi mà các bộ trưởng đưa ra có "mức độ tham vọng" theo đuổi tầm nhìn APEC sau năm 2020, cũng như các thỏa thuận thương mại tự do. Theo Bộ trưởng Azmin Ali, Malaysia với tư cách là Chủ tịch APEC 2020 sẽ làm việc với Mỹ và Trung Quốc, cũng như tất cả các nền kinh tế thành viên nhằm đạt được một giải pháp "trung hòa".
Các bộ trưởng của 21 nền kinh tế thành viên APEC có nhiệm vụ xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020 để thay thế "Mục tiêu Bogor" hiện nay mà đã được các nhà lãnh đạo APEC đạt được năm 1994. Năm nay là năm kết thúc Mục tiêu Bogor và các nhà lãnh đạo APEC sẽ phải thông qua tuyên bố về tầm nhìn mới tại hội nghị cấp cao diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 20/11 tới. Theo Bộ trưởng Azmin Ali, tầm nhìn APEC sau năm 2020 sẽ được xây dựng dựa trên sự thành công của Mục tiêu Bogor và sẽ vạch ra phương hướng chiến lược dài hạn cho khu vực trong những năm tới, ít nhất là 2 thập kỷ tới.
21 nền kinh tế thành viên APEC là khu vực chiếm 37% dân số toàn cầu, 48% khối lượng thương mại thế giới và đóng góp 60% GDP toàn cầu.