Hầu hết người dân Cà Mau đều thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, không tập trung đông người, hạn chế ra đường khi không có việc thật cần thiết.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho phép duy trì hoạt động hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, chợ tạm... để cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đô cho biết, qua kiểm tra tình hình, giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn vẫn đảm bảo ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa thiết yếu. Các siêu thị, cửa hàng cung ứng hàng hóa đều chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa và cam kết cung ứng đầy đủ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào vi phạm liên quan đến việc găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý nhằm mục đích trục lợi trong mùa dịch.
Thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tình hình giá cả thị thường, xử lý nghiêm trường hợp găm hàng, tự ý nâng giá bán bất hợp lý, đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Do kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nên liên tục trong 4 ngày qua, Cà Mau không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Tuy nhiên, Sở Công Thương đã có phương án dự phòng hàng hóa thiết yếu khi xảy ra tình huống xấu. Cụ thể, nếu xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới, Sở sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, điểm bán hàng lưu động để người dân mua sắm thuận lợi. Sở tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ doanh nghiệp, tiểu thương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Đô thông tin thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN ngày 19/7, nhiều khu chợ truyền thống, chợ tạm trên địa bàn thành phố Cà Mau thưa thớt người đi mua sắm, sức mua giảm mạnh so với ngày trước đó, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa thiết yếu để dự trữ. Phần lớn người dân Cà Mau đều có ý thức chấp hành lệnh hạn chế ra đường để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cơ quan, công sở nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Các công ty, nhà máy sử dụng lượng lớn công nhân, người lao động đã tổ chức cho công nhân, người lao động làm việc giãn cách, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn, thực hiện 3 tại chỗ: ăn tại chỗ, ở tại chỗ, làm việc tại chỗ để phòng, chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho phép các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, cơ sở khám chữa bệnh được phép hoạt động. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ sở, đơn vị kể trên phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cần cấp thẻ cho người lao động để thuận tiện cho việc quản lý; bố trí phương tiện đưa rước công nhân, người lao động đảm bảo an toàn trong điều kiện có dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 18/7, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Công văn 3840/UBND-KGVX về việc triển khai một số giải pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị quán triệt nghiêm nguyên tắc của Chỉ thị 16 và Công văn số 969/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện, kiên quyết không để ‘‘ngoài chặt, trong lỏng’’ theo phương châm 4 tại chỗ.
Tính đến ngày 19/7, Cà Mau đã ghi nhận 20 trường hợp mắc COVID-19 (có một người nước ngoài). Tuy nhiên, địa phương đã cơ bản kiểm soát được các nguồn lây và thực hiện quản lý, cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tỉnh đang phát huy hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.