Trong bức tranh đó, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, nhất là các thị trường gần hoặc truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Báo cáo Xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương xuất bản thường niên cho thấy, các địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Bắc Giang… đang giữ những vị trí khả quan về xuất nhập khẩu. Điều này thể hiện qua việc các địa phương này đã chủ động hỗ trợ bà con nông dân lựa chọn và quyết định giống cây trồng cũng như canh tác, tiêu thụ.
Đối với nông sản xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ, đồng hành với Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương ra nước ngoài; chỉ đạo Thương vụ mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã khu vực miền núi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Bộ Công Thương đã mở chương trình tập huấn online hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, góp phần đưa hàng hóa nói chung và nông sản miền núi nói riêng ra thế giới.
Là sản phẩm được phía Trung Quốc mới cấp phép nhập khẩu chính ngạch, sầu riêng đã vươn lên trở thành “quán quân” trong nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu với kim ngạch tăng cao hàng năm. Đặc biệt, người dân ở khu vực Tây Nguyên, miền núi cũng được lợi lớn khi sản phẩm tăng giá.
Ông Trần Văn Chiến, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắc cho biết, những năm qua, người nông dân luôn nơm nớp lo lắng về đầu ra cũng như giá sầu riêng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và hợp tác xã được cấp mã vùng trồng với diện tích 30 ha, sản lượng khoảng 450 tấn, đầu ra đã được doanh nghiệp thu mua ổn định với giá khá cao (trên dưới 70.000 đồng/kg).
“Việc sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch đang mở ra cơ hội rất lớn cho nông dân trồng sầu riêng nơi đây khi giá sầu riêng luôn được duy trì ở mức trên 70.000 đồng/kg và không lo bị ách tắc đầu ra”, ông Trần Văn Chiến bày tỏ.
Cùng với sầu riêng, nhiều địa phương miền núi đã đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản ra thị trường thế giới. Đóng góp cho thành tích đó là rất nhiều sản phẩm hàng hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng còn khó khăn như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn và xoài của Sơn La...
Ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mỳ chũ Nam Thể (Bắc Giang), Chủ tịch Chủ tịch Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ chũ Bắc Giang cho biết, mỳ chũ là sản phẩm thương hiệu lớn của Bắc Giang và Lục Ngạn. Những năm gần đây, sản phẩm đã tiêu thụ rất tốt và bảo hộ độc quyền về nhãn mác hàng hóa ở Lào, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, hiện nay ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng mỳ chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. Điều khác biệt ở đây chính là mạch nguồn nước ngầm trong lành quyện lẫn vị thơm từ nguyên liệu đặc sản gạo quê của vùng núi Lục Ngạn đã tạo nên thương hiệu mỳ chũ truyền thống.
Ngoài ra, hợp tác xã rất chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng cách áp dụng công nghệ 4.0 giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm cũng được gắn mã vạch, đóng gói cẩn thân và có tem truy xuất để người tiêu dùng biết được nguồn gốc. Đồng thời, hợp tác xã cũng liên tục cải thiện chất lượng và công nghệ để sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cũng như đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm OCOP, từ năm 2018, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát tổng thể sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, có thế mạnh trên địa bàn.
Các sản vật, đặc sản của địa phương khá là đa dạng, đặc biệt là vải thiều, mỳ chũ, cam, bưởi…. Đặc biệt, việc sản xuất và tiêu thụ mỳ chũ là bài học cho nhiều nông sản miền núi khác cùng noi theo, để không còn tình trạng lo lắng về đầu ra, được mùa mất giá.
Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia thương mại cho rằng, vai trò của địa phương, hiệp hội và hợp tác xã rất quan trọng trong việc định hướng để người nông dân sản xuất bài bản, chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Bài học của Bắc Giang là bài học cho nhiều địa phương cả nước trong việc vai trò của chính quyền trong quy hoạch, định hướng và xuất khẩu. Kinh nghiệm của Bắc Giang cũng là điều Bộ Công Thương chia sẻ lại với nhiều địa phương, kể cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long- khu vực có nhiều nông sản thế mạnh của cả nước.
Bà Trần Thị Thanh Bình – Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu nông sản miền núi nói riêng có thuận lợi là mặt hàng thiết yếu và thị trường thế giới cần. Dù tiêu dùng thế giới hiện nay đang đi xuống nhưng mặt hàng gạo, một số loại nông sản khác lại có nhu cầu tương đối cao. Ngoài ra, Việt Nam có diện tích và dải sản phẩm tương đối dồi dào, từ cây lương thực, ăn quả đến thủy sản, nông sản. Đây là điều kiện thuận lợi để vươn lên trở thành một trong những cường quốc về nông sản.
Theo bà Trần Thanh Bình, Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho sản phẩm miền núi. Cụ thể, chủ động cung cấp thông tin và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện lưu thông tốt nhất cho doanh nghiệp. Cùng đó, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài bám sát và cập nhật thông tin kịp thời cho hiệp hội, doanh nghiệp về chính sách thay đổi, thị hiếu để địa phương chủ động chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Ngoài ra là giải pháp xúc tiến thương mại sản phẩm của đồng bào miền núi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu để tăng nhận diện sản phẩm tại chợ truyền thống, siêu thị với nông sản có tính mùa vụ cao như vải thiều, nhãn…Đặc biệt, chú trọng đào tạo tập huấn thông qua hội nghị, hội thảo đến hợp tác xã; đồng thời, phối hợp Sở Công Thương để trang bị cho Hội Nông dân, hợp tác xã về kiến thức hội nhập, nghiệp vụ ngoại thương, hợp đồng ngoại thương… Mặt khác, thông tin truyền thông về những hiệp định thương mại tự do (FTA) cho bà con nông dân và hợp tác xã để tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập.
Theo bà Trần Thanh Bình, để chủ động xây dựng và định vị được thương hiệu phải bắt nguồn từ sự chủ động của doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế, đã có một số địa phương xây dựng được thương hiệu cho nông sản như vải thiều Lục Ngạn, mỳ chũ Bắc Giang… nhưng số lượng còn khiêm tốn. Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng chương trình truyền thông thương hiệu cho ngũ cốc, chè, rau quả, trái cây, hạt tiêu hạt điều, cà phê nhằm giúp sản phẩm vươn ra thị trường thế giới, góp phần giảm nghèo bền vững.