Đó là, phải tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh, các chính sách hay thay đổi, sửa đổi gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nền kinh tế có độ mở lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương. Vì vậy, phải có cơ chế để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng đó, có lộ trình khuyến khích thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, bằng các định chế tài chính, thuế, chế độ kế toán đơn giản, không để tình trạng “không chịu lớn”.
“Vẫn còn tình trạng thất thoát vốn trong các dự án đầu tư, vi phạm chế độ thu chi ngân sách, sử dụng tài sản công, tổ chức lễ hội, hội nghị còn lãng phí. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Nhất là, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế. Tình trạng chung chi, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan còn gây bức xúc dư luận”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, phải có giải pháp xử lý các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính. Đáng chú ý là, thanh tra tài chính phải làm đúng, sát chức trách, nhiệm vụ của một cơ quan thanh tra tài chính, chứ không phải là thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Phải đảm bảo môi trường đầu tư, pháp luật tài chính cũng như tạo dựng các điều kiện tốt hơn đối với hệ thống doanh nghiệp.
“Bộ Tài chính phải có bộ lọc đánh giá doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp không hiệu quả để có những điều chỉnh hoạt động, hỗ trợ chính sách; tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, cống hiến vào sự phát triển vững mạnh chung của cả nền kinh tế”, Thủ tướng nói
Sang năm 2019, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục có nhiều bứt phá, phấn đấu tăng thu ngân sách cao hơn năm 2018. Đồng thời, nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và lâu dài của nền tài chính là cơ cấu lại ngân sách và nợ công.
Cùng với đó, phải có các giải pháp đồng bộ tạo không gian tài khóa lớn hơn nhiều nguồn lực hơn để điều hành chủ động linh hoạt. Về thu ngân sách nhà nước, Thủ tướng đề nghị cơ cấu lại mở rộng nguồn thu, mở rộng hóa đơn điện tử.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2018 ngành tài chính đã thu ngân sách vượt tới 7,8% dự toán. Đây cũng là năm đầu tiên thu ngân sách Trung ương vượt 4,3% dự toán và thu ngân sách địa phương vượt 12,5% dự toán. Từ chỗ vay ngân hàng để chi các khoản thì vài năm trở lại đây đã có thặng dư ngân sách.
Cũng theo Thủ tướng, năm 2018, ngành tài chính đã đạt 6 kết quả nổi bật, bao gồm: phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các kế hoạch đề ra; trong đó, có điều hành thu, chi ngân sách...
Đặc biệt, công tác thu hồi và xử lý nợ đọng thuế, ngân sách nhà nước được thu chi nghiêm túc hơn. Bội chi dưới 3,6% GDP, chi thường xuyên dưới 62%. Thêm vào đó, đã từng bước hoàn thiện thể chế; việc cải cách hành chính ngành thuế, tài chính được triển khai tích cực, nhiều nghị định quan trọng đã được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ, năm 2019 ngành tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.
Cùng đó, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước đã đề ra; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng cho biết năm 2019 sẽ phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán được giao. Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, năm 2018 dù có nhiều khó khăn, nhưng thu ngân sách của cơ quan hải quan trên địa bàn thành phố đã vượt dự toán được giao với 378.543 tỷ đồng, tăng 8,65% so với 2017; trong đó, thu nội địa đạt 244.771 tỷ đồng. Từ đầu năm, ngành thuế thành phố đã tăng cường thanh tra, kiểm tra; đôn đốc, thu hồi nợ thuế; hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách.
Đối với nhiệm vụ năm 2019, theo đại diện lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh, dự toán thu ngân sách Nhà nước được giao năm 2019 là 399.125 tỷ đồng, tăng 5,93% so với 2018, chiếm 26,3% trong tổng thu cả nước; trong đó, thu nội địa là 272.000 tỷ đồng. Với số dự toán này, ông Lê Thanh Liêm cho rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn, thành phố phải phấn đấu cao mới đạt được.
Vì vậy, ông Liêm cho biết, Tp. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 đề ra. Theo đó, thành phố tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, giải quyết lao động và tăng thu cho ngân sách.
Đồng thời, tăng cường khai thác các nguồn thu, tiếp tục cải cách hành chính; tăng cường kiểm soát chi ngân sách... Chính quyền thành phố sẽ tập trung điều hành chi ngân sách theo đúng dự toán và định mức, chế độ; tập trung bố trí vốn đầu tư theo kế hoạch, dành vốn cho các dự án đột phá, quan trọng của thành phố...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho hay, năm 2019, dự toán thu ngân sách Nhà nước được giao của thành phố Cần Thơ là 11.040 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, đến nay thành phố đã triển khai xong các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, thành phố phấn đấu thu vượt 5% so với dự toán và tỷ lệ nợ đạt dưới 5% tổng thu ngân sách.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiệm vụ tới các đơn vị quản lý thu và điều hành ngân sách, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu...