Mùa vụ 2018, sản lượng vải thiều tiêu thụ của toàn tỉnh Bắc Giang đạt 215.800 tấn, tăng hơn 124.000 tấn so với năm 2017. Nhằm tránh lặp lại câu chuyện được mùa, mất giá, tạo giá trị kinh tế cao từ sản xuất vải thiều cho người nông dân, ngay từ tháng 4/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở trong và ngoài nước.
Nhờ đó, mùa vụ năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 118.700 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng, bao gồm các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã kết hợp với các doanh nghiệp như: Saigon Co.op, Big C, Hapro… xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, sớm đưa vải thiều chất lượng ngay từ đầu vụ vào tiêu thụ ổn định, khẳng định chất lượng và giá bán ổn định suốt mùa vụ.
Đối với thị trường xuất khẩu, vải thiều Bắc Giang năm nay đã được xuất khẩu sang trên 30 nước với tổng sản lượng 97.100 tấn; trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, chiếm 88,7% sản lượng xuất khẩu; cùng các nước EU, Trung Đông, Nga, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... Giá trị xuất khẩu vải thiều Bắc Giang vụ 2018 đạt trên 170 triệu USD, tăng 89,4% so với cùng kỳ. Nhờ đó, tổng doanh thu từ vải thiều và hoạt động dịch vụ phụ trợ vụ vải thiều năm 2018 của tỉnh Bắc Giang ước đạt 5.755 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận, để có được những thành công trên, ngoài sự nỗ lực của tỉnh Bắc Giang còn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố, kết nối tiêu thụ vải thiều tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ, tuần lễ vải thiều…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận, vụ vải thiều 2018 của tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn, hạn chế. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang nhận định, vụ vải năm nay ở Bắc Giang xuất hiện tình trạng sâu đục cuống quả với diễn biến phức tạp; thời gian thu hoạch của vải thiều năm 2018 ngắn hơn so với mọi năm, cùng với sản lượng tăng cao đã gây nhiều áp lực trong bảo quản, tiêu thụ vải thiều.
Trong khi đó, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, tình trạng trừ lùi cân tại các điểm cân thu mua vải thiều ở địa phương vẫn diễn ra, ước tính gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; ngoài ra tình trạng găm hàng, ép giá của các dịch vụ phụ trợ vụ thu hoạch vải thiều như thùng xốp, thùng giấy… tại địa bàn huyện vẫn diễn ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Dương Văn Thái, thời gian tới, sẽ thay đổi phương thức tổ chức sản xuất vải thiều từ nhỏ lẻ sang tập trung; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vải thiều để đảm bảo sản xuất an toàn đi đôi với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Bắc Giang tập trung xây dựng thương hiệu, đổi mới bao bì đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm vải thiều. Năm 2019, tỉnh tập trung giữ ổn định diện tích vải thiều, phát triển mạnh hơn nữa về chất lượng, đạt điều kiện xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang nhiều thị trường khó tính hơn.