Nhận xét chung lâu nay của các giám đốc ngân hàng toàn cầu là châu Âu không chỉ yếu hơn xét về mặt kinh tế mà khu vực này còn quá cạnh tranh. Phân tích của tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) hồi năm ngoái cho hay phí giao dịch ngân hàng trong lĩnh vực đầu tư ở Mỹ trung bình cao hơn 22% so với châu Âu.
Theo một nghiên cứu của trường Saïd Business School, phí chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ tương đương khoảng 7% số tiền huy động, trong khi tỷ lệ này tại châu Âu là xấp xỉ 3%.
JP Morgan, một ngân hàng đầu tư hàng đầu tại châu Âu, được coi là minh chứng tiêu biểu nhất. Hiện nay, chỉ có khoảng 15% hoạt động của ngân hàng đầu tư này liên quan tới châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Giới chuyên gia cho rằng có khả năng các công ty tài chính và ngân hàng toàn cầu sẽ lấy lý do Brexit hay nhân cơ hội này để cắt giảm hoạt động kinh doanh mà họ từ lâu đã đánh giá là không hấp dẫn khi so với cơ hội kinh doanh tại các thị trường khác, đơn cử như Mỹ. Đây là lý do nhiều nhân vật trong giới ngân hàng và chính trị gia, gần đây nhất là Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond, từng nhận định rằng New York có thể sẽ là thành phố được lợi lớn từ Brexit.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hậu Brexit, kinh tế Anh có thể bị thiệt hại khoảng 3 điểm phần trăm GDP vào năm 2020 trong khi kinh tế EU thiệt hại 1 điểm phần trăm. Trả lời phỏng vấn hồi tuần trước, Giám đốc Goldman Sachs Lloyd Blankfein cảnh báo hoạt động của Trung tâm tài chính London nhiều khả năng sẽ chững lại khi Anh "chia tay" EU. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) từng tuyên bố sẽ chuyển hoạt động thanh toán bù trừ bằng đồng euro - một nghiệp vụ ngân hàng mang lại lợi nhuận “vàng” cho London - ra khỏi trung tâm tài chính này.
Việc Anh rời Thị trường chung châu Âu có thể mang lại những thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể khả quan nếu hai bên đạt được một thỏa thuận có lợi tạo điều kiện để các ngân hàng và công ty tài chính toàn cầu duy trì hoạt động tại London.