Với mục đích thắt chặt quan hệ và tăng cường hợp tác giữa Pháp với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tham dự sự kiện còn có Thượng nghị sĩ Vincent Eblé, Chủ tịch Nhóm hữu nghị liên nghị viện, ông Clément Beaune, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái và Gắn kết Lãnh thổ, Phụ trách Giao thông Pháp, cùng Đại sứ, đại diện ngoại giao các nước ASEAN tại Pháp. Đặc biệt, Chủ tịch thượng viện Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề nóng của thế giới và khu vực hiện nay như : chuyển đổi năng lượng và trung hòa các-bon, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng và logistics, an ninh lương thực, phát triển hệ thống y tế... Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng đã tổ chức buổi Tọa đàm bàn tròn dành riêng cho Việt Nam.
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn ASEAN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sự kiện là nhịp cầu kết nối và củng cố hợp tác giữa ASEAN và Pháp nói riêng, cũng như ASEAN và EU - hai khu vực kinh tế quan trọng của thế giới nói chung, để cùng nhau ứng phó với những vấn đề đặt ra cho thế giới hiện nay, đồng thời tiếp tục phát triển mối quan hệ được thiết lập từ 45 năm nay. Bộ trưởng đánh giá cao vai trò đầu tầu của Pháp trong quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Pháp chủ trương thúc đẩy các lĩnh vực thế mạnh như thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Đây cũng chính là các lĩnh vực mà các nước trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mong muốn và tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam có những lợi thế đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để có thể đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ giữa các nước ASEAN với Pháp. Cụ thể: (i) Việt Nam có mối gắn kết lịch sử, quan hệ ngoại giao truyền thống từ 50 năm và quan hệ đối tác chiến lược 10 năm qua với Pháp; (ii) Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á vừa có Hiệp định thương mại tự do với EU, vừa tham gia tuyên bố chung về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP với EU và các nước G7, giúp thuận lợi hóa tối đa quá trình phát triển thương mại song phương và quá trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững ; (iii) Vị trí cửa ngõ của Đông Nam Á và 16 FTA đã ký kết giúp Việt Nam trở thành cầu nối hữu hiệu của ASEAN với các nước đối tác.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam và cam kết ổn định chính sách lâu dài để các nhà đầu tư Pháp và EU kinh doanh thành công và hiệu quả tại Việt Nam.
Tọa đàm về Việt Nam
Bên cạnh các phiên chuyên đề về các vấn đề nóng của thế giới và khu vực, Diễn đàn cũng dành riêng một buổi Tọa đàm bàn tròn về Việt Nam do Business France và Bộ Công Thương đồng chủ trì. Tọa đàm được xem như một trong những hoạt động thiết thực do Việt Nam và Pháp phối hợp tổ chức để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Công Thương đã phát biểu về tầm nhìn và chính sách của Việt Nam đối với phát triển bền vững để trở thành trung tâm trong chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng cập nhật tới cộng đồng doanh nghiệp Pháp những thông tin mới nhất về cơ hội hợp tác với Việt Nam thông qua hai phiên thảo luận về năng lượng và xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt quan hệ chính trị tốt đẹp, đã định hướng và tạo đà phát triển cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Theo Bộ trưởng Công thương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020, đang đóng trò là động lực trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian qua. Hiện tại mới chỉ 02 nước trong ASEAN ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Pháp có thể coi “Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN’’ đối với hàng hóa và đầu tư từ Pháp. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng Pháp là trung tâm phân phối hàng hóa sang toàn khối EU.
Theo số liệu hải quan Pháp, trong năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Pháp đạt 8,1 tỷ euro (khoảng 8,7 tỷ USD), chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch giữa Pháp với toàn thế giới (1.354 tỷ euro). Điều đó cho thấy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. “Việt Nam thực sự đang là một nền kinh tế mới nổi, phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, nhờ tình hình chính trị xã hội rất ổn định, dân số trẻ và năng động, và một nền tảng kinh tế vững chắc, cùng các khung khổ hợp tác kinh tế - thương mại quốc tế luôn được củng cố, phát triển. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định.
Tọa đàm Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Đông Nam Á đã nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp Pháp và ASEAN. Hoạt động kết nối giao thương đã diễn ra sôi nổi, hiệu quả và được doanh nghiệp hai bên đánh giá cao.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Didier Boulogne, Phó Tổng Giám đốc phụ trách các hoạt động xuất khẩu của Business France khẳng định Việt Nam là một đất nước có nhiều tiềm năng và là một trong những quốc gia cởi mở nhất ở khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu và trao đổi thương mại. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam đã ký Hiệp định tự do thương mại với nhiều nước, đặc biệt là với châu Âu. Ông bày tỏ: "Tôi rất tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa hai nước Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, cũng như xuất khẩu, vì Việt Nam rất năng động, có tổ chức chặt chẽ, có mong muốn mạnh mẽ về phát triển công nghiệp trên cơ sở chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường, theo các cam kết mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Để thực hiện các tham vọng trên, Việt Nam sẽ cần có công nghệ, mà Pháp lại có thế mạnh trong các lĩnh vực này. Do đó mục đích của cuộc tọa đàm hôm nay chính là tạo mối liên kết giữa cơ quan công quyền Việt Nam với doanh nghiệp, cũng như là giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng”.
Là Phó chủ tịch phụ trách phát triển quốc tế của tập đoàn Air Liquide, ông Philippe Christodoulou cũng công nhận Việt Nam là một trong những nước rất năng động trong khu vực Đông Nam Á. "Tập đoàn Air Liquide của chúng tôi khẳng định điều này vì chúng tôi đã hiện diện ở Việt Nam từ 1996 và có mối quan hệ làm ăn với khoảng 15 thành phố trải dài suốt từ Bắc vào Nam. Chúng tôi cung cấp các loại khí công nghiệp như oxy, azote, hydro cho nhiều khách hàng Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, điện tử... Chúng tôi thực sự mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Do đó buổi tọa đàm cũng là dịp để chúng tôi đề cập với Bộ trưởng Việt Nam về chuyển đổi năng lượng, giảm khí carbon gây hiệu ứng nhà kính bằng cách tiếp cận với các loại năng lượng tái tạo”.
Nhận định về kết quả của Diễn đàn ASEAN tại Thượng viện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết Việt Nam đã rất nổi bật tại diễn đàn này và bài phát biểu của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã được cử tọa đánh giá cao. Các đại diện đối tác và doanh nghiệp Pháp đã nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong ASEAN, sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như thành tựu về phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và tiềm năng trong thời gian tới. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong khuôn khổ Pháp đẩy mạnh chiến lược, chính sách với các khu vực ASEAN, châu Á -Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các đối tác cũng đánh giá cao thế mạnh của Việt Nam về thị trường, sức tiêu thụ, khả năng kết nối khu vực, đồng thời nhấn mạnh khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong các lĩnh vực như tăng cường chuỗi cung ứng, khai khoáng, giao thông, năng lượng và phát triển bền vững. “Có thể nói, diễn đàn là dịp để ta đã giới thiệu hình ảnh một Việt Nam năng động và giàu tiềm năng tại Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là sự kiện nhằm củng cố hơn nữa sự phát triển trong mối quan hệ Việt - Pháp và đưa ra hướng đi mới cho hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng kết luận.