Thời điểm này, việc công nhân lưu trú là cần thiết, song cơ quan chức năng lưu ý điều này cần phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không phân biệt đối xử.
Đầu tháng 7 này, sau khi mua lều, chăn, mùng, máy giặt, lắp đặt thêm máy lạnh, phòng tắm di động, Công ty Daikan Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai bắt đầu thực hiện lưu trú cho trên 80/119 người lao động tại công ty. Để công nhân làm việc, ăn, ở tại chỗ, ngoài việc trang bị vật dụng thiết yếu, công ty còn hỗ trợ mỗi lao động 3 bữa ăn và 200.000 đồng/ngày. Riêng những người không thể lưu trú thì tùy vào lương cơ bản, công ty hỗ trợ từ 170.000 - 250.000 đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc Công ty Daikan Việt Nam cho biết, Công ty Daikan Việt Nam có tổng diện tích 15.000 m2. Nơi ở, sinh hoạt của công nhân được công ty tận dụng từ diện tích nhà chưa sử dụng, nam nữ ở 2 khu riêng biệt. Quan điểm của công ty là khuyến khích người lao động thực hiện “ba tại chỗ”, điều này được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử.
Dịch bệnh khiến đời sống công nhân khó khăn, Công ty Daikan Việt Nam đưa ra chính sách hỗ trợ tiền đối với cả người lưu trú và không lưu trú. Việc để công nhân làm việc, ăn, ở tại chỗ là điều mà doanh nghiệp không mong muốn, người lao động cũng gặp những bất tiện. Song, vì mục tiêu chung, công ty mong muốn người lao động cảm thông, hợp tác.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, công nhân Công ty Daikan Việt Nam chia sẻ, trước khi vào lưu trú, lãnh đạo Công ty Daikan Việt Nam đã làm việc với toàn thể người lao động và doanh nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ đối với công nhân lưu trú. Chị Hoa làm việc, ăn, ở tại chỗ đã 10 ngày và nhận thấy, công ty trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các vật dụng thiết yếu phục vụ công nhân, điều kiện vệ sinh, anh ninh rất tốt, mọi người đều đồng thuận trong quá trình lưu trú.
Những ngày qua, Công ty Công nghệ Năng lượng CSB Việt Nam với trên 1.300 lao động, đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 đã bàn bạc, thống nhất với người lao động việc tổ chức lưu trú cho công nhân. Hiện, công ty đã mua các vật dụng cần thiết, sửa chữa phòng tắm, bố trí khu giặt giũ và ngay sau khi được ngành chức năng chấp thuận là doanh nghiệp sẽ thực hiện lưu trú cho người lao động.
Ông Tim Chu, Giám đốc Công ty Công nghệ Năng lượng CSB Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 1.000 lao động của công ty đăng ký lưu trú. Việc lưu trú được công ty bàn bạc kỹ, thống nhất cao, khi thực hiện, công ty sẽ lo cho công nhân 3 bữa ăn mỗi ngày và người lưu trú còn được hỗ trợ thêm tiền. Với những lao động do hoàn cảnh không thể lưu trú thì vẫn đến công ty làm việc bình thường, hoàn toàn không có sự phân biệt, gây khó dễ. Lưu trú là bất đắc dĩ, công ty hiểu rằng, ngoài công việc người lao động còn có các mối quan hệ xã hội, vui chơi, nhiều lao động phải có thời gian ở nhà để chăm lo cho con nhỏ, gia đình.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, giữa tháng 6 vừa qua, tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho doanh nghiệp tổ chức tạm lưu trú tập trung đối với công nhân tại khu công nghiệp. Đến nay, có hàng chục doanh nghiệp tổ chức cho công nhân lưu trú như: Công ty cổ phần Toget Việt Nam (huyện Trảng Bom), Công ty Sơn Ocean (huyện Long Thành), Công ty Dược phẩm Shinpoong Daewoo (thành phố Biên Hòa). Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng chuẩn bị các điều kiện, nộp hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cho phép thực hiện lưu trú đối với công nhân.
Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, khi bố trí công nhân lưu trú, doanh nghiệp ở Đồng Nai tự bỏ kinh phí để mua sắm các vật dụng, trang thiết bị phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của người lao động. Ngoài ra, các công ty còn phục vụ cơm miễn phí, đưa ra chính sách hỗ trợ tiền. Thời điểm này, để đảm bảo “mục tiêu kép”, việc công ty bố trí lưu trú cho công nhân là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ cho phép thực hiện lưu trú đối với những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Lưu trú là phương án tạm thời để phòng chống dịch COVID-19 và phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, có sự bàn bạc, thống nhất giữa lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động. Khi đưa ra chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cần thực hiện hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho lao động lưu trú và không lưu trú.
Theo ông Lê Văn Danh, hiện dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, dự báo tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai thực hiện lưu trú cho công nhân. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai sẽ phối hợp cùng ngành chức năng kiểm tra, kiên quyết không cho lưu trú đối với những doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện; khuyến khích doanh nghiệp đưa ra chính sách hỗ trợ người lao động khi lưu trú.