Ông Phạm Thy Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Theo ông Phạm Thy Hùng, Luật PPP (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024QH15) đã mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đối với tất cả các lĩnh vực, bãi bỏ quy mô vốn tối thiểu đối với dự án PPP. Đồng thời, áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP đến 70% tổng mức đầu tư đối với một số nhóm dự án cụ thể. Quy định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong thực tiễn, cởi trói cho hoạt động thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP ở tất cả các lĩnh vực đầu tư.
Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung 8 luật thuộc lĩnh vực tài chính tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật PPP trên tinh thần tăng cường phân cấp phân quyền, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trung gian không cần thiết, bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi vượt trội cho dự án khoa học công nghệ nói riêng và các dự án thuộc lĩnh vực khác.
Trong Luật mới này, quyền quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án PPP đã được phân cấp tối đa từ Thủ tướng Chính phủ xuống Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp. Các cơ quan được trao quyền tự quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định dự án hoặc không, đồng thời đơn giản hóa thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhỏ và vừa. Yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự cũng được điều chỉnh linh hoạt hơn, mở rộng trường hợp áp dụng chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án PPP.
Luật cũng cho phép áp dụng các hình thức đầu tư phù hợp như đặt hàng, giao thầu trong các dự án PPP, với nhiều chính sách ưu đãi vượt trội dành cho các dự án khoa học công nghệ. Ví dụ, quy trình thẩm định được rút ngắn thời gian đáng kể. Đồng thời, cho phép chỉ định nhà đầu tư đặc biệt đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ sở hữu bản quyền sử dụng công nghệ chiến lược nằm trong danh mục công nghệ ưu tiên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì Họp báo. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Đặc biệt, theo lãnh đạo Cục Đấu thầu, với các dự án khoa học công nghệ, nhà nước hỗ trợ đến 70% vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, đồng thời chia sẻ rủi ro phần giảm doanh thu trong ba năm đầu vận hành kinh doanh. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án.
Luật cũng tháo gỡ nhiều vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, như không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án riêng biệt, cho phép doanh nghiệp PPP kinh doanh các ngành nghề ngoài phạm vi hợp đồng dự án. Vấn đề về sản lượng và doanh thu trong các dự án BOT cũng được xử lý linh hoạt hơn.
Ông Phạm Thy Hùng cho biết thêm, ngày 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị định có hiệu lực ngay lập tức và mở rộng phạm vi áp dụng các hình thức hợp tác công tư, phù hợp với nhiều mô hình như PPP, BT, BOT, BTO, hợp tác liên kết sử dụng tài sản công, kể cả tài sản vô hình như dữ liệu, bản quyền công nghệ.
Nghị định quy định rõ các loại hình hợp tác ưu tiên trong chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm đất đai và chia sẻ rủi ro.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì Họp báo. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Theo ông Phạm Thy Hùng, ngay trong quá trình xây dựng nghị định, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ ngành, tập đoàn công nghệ nghiên cứu chuẩn bị một số dự án, hoạt động hợp tác công tư để có thể triển khai sau khi Nghị định được ban hành.
Ông Phạm Thy Hùng cho biết: Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhiều dự án hợp tác công tư quan trọng, như xây dựng Trung tâm ươm tạo, phát triển bán dẫn tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Dự án sử dụng tài sản công để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại NIC Hòa Lạc thực hiện theo Luật PPP (do NIC thuộc Bộ Tài chính chủ trì thực hiện); Xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Hà Nội thực hiện theo hình thức hợp tác 3 bên (do Ban Quản lý dự án công nghệ cao Hòa Lạc, Tập đoàn CMC, Đại học Bách Khoa thực hiện)...