Hợp tác công tư trong đầu tư phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo

Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, trong khi ngân sách đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế. Đây cũng là lý do cần thúc đẩy các mô hình hợp tác công tư (PPP) để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân để tăng cường tài chính cho các dự án phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục trường học.

Chú thích ảnh
Bà Đỗ Thị Hoa, Chuyên gia giáo dục, Nhà đầu tư tài chính quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam và Giám đốc chuỗi Hệ thống đào tạo chuyên sâu kỹ năng tự học 3S.

Theo bà Đỗ Thị Hoa, Chuyên gia đào tạo, Nhà sáng lập Hệ thống đào tạo kỹ năng tự học 3S và cũng là nhà đầu tư tài chính cho nhiều mô hình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, ngành Giáo dục hiện nay đang cần thu hút xã hội hóa nhiều nguồn lực tài chính để phát triển toàn diện. Khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là những công ty có kinh nghiệm quốc tế, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại, phương pháp giảng dạy tiên tiến và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Chú thích ảnh
Hệ thống đào tạo chuyên sâu phát triển kỹ năng tự học, tư duy sáng tạo và lối sống tích cực thuộc Trung tâm 3S.

"Lợi ích của mô hình PPP là giúp mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho những khu vực khó khăn. Các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng giáo dục tại các vùng sâu vùng xa, giảm bớt sự chênh lệch trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng. Các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia sẽ có những sáng kiến mới, tạo cơ hội cho việc thử nghiệm các phương pháp giảng dạy sáng tạo và công nghệ giáo dục mới, giúp ngành thích ứng với sự phát triển của công nghệ. Thêm vào đó, các dự án đầu tư PPP trong giáo dục còn tạo ra động lực cho các địa phương trong việc phát triển các dự án giáo dục đào tạo tại cơ sở. Hợp tác giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện của khu vực và quốc gia", bà Đỗ Thị Hoa chia sẻ. 

Thực tế tại Việt Nam, hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia mô hình đầu tư PPP trong lĩnh vực giáo dục như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Giáo dục Đầu tư Việt Nam (VietEdu), Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo TalentNet và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cùng rất nhiều tổ chức giáo dục quốc tế đang cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các trường học tại Việt Nam như British Council hay các trường đại học quốc tế.

Gs.Ts Nguyễn Đức Nghĩa, Chuyên gia đào tạo giáo dục chia sẻ, hợp tác công tư là chìa khóa để giải quyết những hạn chế về tài chính trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Việc này không chỉ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư, mà còn giúp cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục cho học sinh. Không những thế, hợp tác công tư không chỉ là sự đầu tư tài chính, mà còn là sự kết nối giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần tạo ra những giải pháp sáng tạo, giải quyết thách thức hiện có trong ngành Giáo dục.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), đơn vị chuyên đầu tư cho các mô hình giáo dục chia sẻ, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải khi tham gia vào các dự án hợp tác công tư trong ngành Giáo dục là sự thiếu minh bạch trong quy trình đấu thầu và các quy định pháp lý không ổn định. Điều này tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư, khiến các doanh nghiệp khó quyết định đầu tư lâu dài và có kế hoạch phát triển bền vững. Vì vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng, công khai, để thu hút doanh nghiệp hiện thực hóa đầu tư.

Ngoài ra, còn có nhiều rào cản khác như hệ thống quy định pháp lý về PPP đầu tư cho giáo dục chưa hoàn thiện và đồng bộ, khó khăn trong việc xác định rõ trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, vướng mắc trong việc thiết lập và duy trì tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong các dự án PPP về giáo dục, tâm lý e ngại từ các nhà giáo dục và phụ huynh về việc chuyển giao một phần giáo dục cho các doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến sự không đồng thuận trong việc triển khai các mô hình PPP... cũng là những thách thức không nhỏ khi doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chương trình, dự án thu hút nguồn vốn đầu tư vào giáo dục.

Để khắc phục những rào cản trên, Chuyên gia Đỗ Thị Hoa khuyến nghị và đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân cần sớm xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý liên quan đến mô hình PPP trong giáo dục, đảm bảo quy trình đấu thầu minh bạch và công bằng. Các quy định cũng cần rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Nhà nước nên cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án PPP, quy trình đấu thầu, cũng như các tiêu chí đánh giá để các nhà đầu tư tư nhân có thể tiếp cận và tham gia dễ dàng hơn.

Mặt khác, để đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các dự án PPP. Điều này sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả và giảm thiểu xung đột lợi ích. Nhà nước có thể xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào giáo dục, như giảm thuế, hỗ trợ tài chính hoặc tạo thuận lợi về tiếp cận mặt bằng và cấp giấy phép...

Song song đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để thiết kế các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của người học và xã hội; đảm bảo chất lượng giáo dục; chủ động liên hệ với các cơ quan Nhà nước, tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và quy định liên quan đến PPP về giáo dục; cam kết và thể hiện trách nhiệm xã hội trong các dự án giáo dục theo hướng các chương trình không chỉ mang lại lợi nhuận, mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, ngành Giáo dục.

Có thể thấy rằng, hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển ngành Giáo dục cần đạt được "tiếng nói chung" và sự đồng thuận thông qua các hội thảo, tọa đàm, để trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, dự án giáo dục liên quan đến mô hình PPP; đồng thời, cùng nhau xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát và kịp thời điều chỉnh những tiêu chí đánh giá hiệu quả của các dự án PPP, nhằm thúc đẩy tính hiệu quả giúp của các dự án, chương trình giáo dục đào tạo trên phạm vi cả nước.

NQ/Báo Tin tức
Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo
Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo đủ phòng học, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN