Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 khẩn trương làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện quyết toán dự án, xử lý các tồn tại về mức phí và điều chỉnh hợp đồng dự án BOT Quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; thực hiện công khai, minh bạch thông tin dự án theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 9996/BGTVT ngày 5/9/2017.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc điều chỉnh tăng mức phí sử dụng đường bộ tại Trạm thu giá Bắc Thăng Long - Nội Bài chỉ được xem xét sau khi Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 hoàn thành các nội dung nêu trên; tuân thủ các nội dung quy định tại hợp đồng số 37 ngày 14/8/2007, các phụ lục hợp đồng dự án và phù hợp với quy định hiện hành.
Trước đó, Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất hai phương án tăng giá phí qua trạm.
Cụ thể, phương án 1 thu phí trong thời gian 19 năm với mức phí tăng từ 2,5 lần so với hiện tại (từ 10.000 đồng lên 25.000 đồng/xe/lượt) cho xe dưới 12 chỗ ngồi trong thời gian từ 1/1/2018 đến 31/12/2020. Sau đó, tăng lên 3 lần từ năm 2021 đến năm 2024 và tăng lên 3,5 lần đến khi kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn là năm 2030.
Phương án 2, nhà đầu tư đề xuất sẽ thu phí trong 17 năm với mức phí tăng gấp 3 lần mức hiện nay từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng/xe/lượt đối với xe dưới 12 chỗ. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2020. Sau đó trạm tăng lên 4 lần đến năm 2028.
*Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về việc
giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá Km1212+550
Quốc lộ1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1125-Km1153, tỉnh Bình
Định theo hình thức BOT sau khi đạt được sự thống nhất với nhà đầu tư,
doanh nghiệp dự án.
Dự kiến, từ ngày 1/12 tới đây, dự án giảm giá chung cho các loại
phương tiện từ 3-29% khi lưu thông qua trạm thu giá này. Theo đó, đối
với xe loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các
loại xe buýt vận tải khách công cộng) sẽ giảm từ 35.000 đồng xuống còn
25.000 đồng/xe/lượt.
Xe loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến
dưới 4 tấn) giảm từ 50.000 đồng xuống còn 45.000 đồng/xe/lượt. Xe loại 3
(xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10
tấn) giảm từ 75.000 đồng xuống còn 70.000 đồng/xe/lượt.
Xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở
hàng bằng container 20 feet) giảm từ 120.000 đồng xuống còn 115.000
đồng/xe/lượt. Xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở
hàng bằng container 40 feet) giảm từ 180.000 đồng xuống còn 175.000
đồng/xe/lượt.
Đối với việc giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận trạm thu giá,
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm 50% so với mức giá chung sau
giảm đối với phương tiện loại 1 (giảm từ 35.000 đồng xuống còn 17.000
đồng/xe/lượt) cho các chủ phương tiện (không kinh doanh), xe biển xanh,
xe buýt, xe chở rác thuộc các huyện Tuy Phước, An Nhơn, một số xã thuộc
huyện Phù Cát (khoảng cách đến trạm trong vòng bán kính 12km).
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi áp dụng mức
phí như trên, thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến là 30 năm 11 tháng
(thời gian hoàn vốn quy định tại hợp đồng dự án là 22 năm 5 tháng).
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy thời gian thu giá hoàn vốn của dự án
với mức giá trên không đảm bảo an toàn cho tính khả thi của dự án nên
Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư đã thống nhất thỏa thuận đề
xuất mức giá cho phương tiện xe loại 1 sẽ là 30.000 đồng/xe/lượt (theo
đề xuất ban đầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban đầu sẽ giảm xuống còn
25.000 đồng/xe/lượt).
Các loại xe 2,3,4,5 sẽ được giữ nguyên như đề xuất ban đầu của Tổng
cục Đường bộ Việt Nam. ( xe loại 2: 45.000 đồng/xe/lượt; xe loại 3:
70.000 đồng/xe/lượt; xe loại 4: 115.000 đồng/xe/lượt; xe loại 5: 175.000
đồng/xe/lượt, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 5 tháng.
Thời gian tăng giá vé sử dụng đường bộ giữ nguyên như hợp đồng
(tháng 5/2019) do nếu giãn thời gian tăng giá vé, dự án không thể thu
hồi vốn.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao các
cơ quan chuyên môn của Bộ điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh Hợp
đồng Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1125-Km1153, tỉnh Bình Định theo
hình thức BOT cho phù hợp.