Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “kêu cứu” vì hàng hóa bị trễ tàu do chưa hoàn tất thủ tục theo quy định liên quan đến mã số mã vạch trên bao bì.
Cụ thể, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, trong đó có nội dung doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh quy định này gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch hàng hóa, tốn kém nhiều chi phí.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủ tục đăng ký xác nhận hiện làm bằng hồ sơ giấy, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải mất 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng vì mỗi lô hàng thường có nhiều mã hàng hoá, trong thời gian đó vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho khoản vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Hơn nữa, với những lô hàng yêu cầu xuất đi gấp, việc chậm trễ thời gian gây ra thiệt hại không nhỏ.
Mặt khác, các nước nhập khẩu không có quy định tương tự nên doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc xin hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận theo yêu cầu của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, vấn đề cốt lõi là quy định này đưa ra không có căn cứ pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, thông lệ quốc tế không có quy định này, việc cấp giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài không có ý nghĩa thực tế đối với việc quản lý nhà nước.
Trước những bất cập đó, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định liên quan đến đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài đối với hàng xuất khẩu, cụ thể là Khoản 9 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP (Nghị định 74) về “bổ sung Mục 7 “Mã số mã vạch và quản lý mã số mã vạch”.
Đồng tình với quan điểm của VASEP, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) cũng kiến nghị bỏ quy định này để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đại diện các hiệp hội ngành hàng cũng chia sẻ, trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 không có yêu cầu cụ thể về mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu, nhưng Nghị định 74 được ban hành căn cứ vào Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa lại có quy định như vậy là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là khi mã số mã vạch này không nói lên chất lượng hàng hóa, không quản lý truy xuất nguồn gốc, không có ý nghĩa bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, mã số mã vạch là yêu cầu của nước ngoài để quản lý hàng hóa của họ, Nhà nước Việt Nam can thiệp là không hợp lý bởi thực tế, 13 số trên quy ước mã số mã vạch GS1 bao gồm các thông tin về định danh quốc gia mà chủ hàng có trụ sở, mã của doanh nghiệp chủ hàng, mã định danh của sản phẩm do chủ hàng đặt vào để quản lý. Do vậy, mã số mã vạch này để các hệ thống phân phối, siêu thị quản lý hàng hóa lưu thông của họ.
Tiếp nhận những ý kiến của các Hiệp hội đại diện cho phía doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu đồng tình cần xem xét lại quy định về việc đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu.
Trước đó, tại cuộc họp với các bộ liên quan về quy định này do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ xem xét nghiên cứu sửa đổi Nghị định 74 về sử dụng mã nước ngoài theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: Việc sửa Nghị định không thể làm trong ngày một, ngày hai. Do vậy, các cơ quan quản lý sẽ triển khai các biện pháp tháo gỡ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định.
“Về lâu dài, cần tách mã số mã vạch ra khỏi Nghị định 74, có thể đưa vào Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa hoặc Nghị định mới để tránh nhầm lẫn với vấn đề xác nhận chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Là đơn vị chịu trách nhiệm chung về hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Xuất Nhập khẩu sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm hướng xử lý bất cập, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các ngành hàng xuất khẩu.