Theo ông Trần Quốc Toản, ngay khi nhận được thông tin về khả năng có thể dẫn tới ùn ứ hàng hóa tại khu vực các cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực của COVID đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Cùng với đó là vận chuyển hàng hóa, khơi thông hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới đất liền, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây tươi qua biên giới khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ và thời điểm vào các dịp Lễ, Tết.
Bộ Công Thương đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung.
Cụ thể như khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng chống dịch cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tổ chức 3 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến với các đối tác phía Trung Quốc như Bộ trưởng Thương mại, Bí thư Quảng Tây, Tổng cục trưởng Hải quan và 10 cuộc làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi các nội dung nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại song phương.
Mặt khác, gửi 14 công thư của Bộ trưởng và nhiều công hàm của Bộ Công Thương tới lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và cơ quan phía của Trung Quốc thúc đẩy giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước; trong đó, có thương mại biên giới.
Đầu tháng 12 này, Bộ trưởng Bộ Công Thương một lần nữa có thư gửi tới các đối tác phía Trung quốc gồm Bộ trưởng Thương mại, Bí thư Quảng Tây, Tổng cục trưởng Hải quan đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung nhằm tìm kiếm các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương; trong đó, có giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới Việt - Trung.
Ông Trần Quốc Toản cho biết thêm: Bên cạnh các giải pháp trên, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong bộ và Tham tán thương mại, đại diện thương vụ, đại diện các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc.
Hơn nữa, Bộ Công Thương còn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, nhất là khi chính quyền phía Trung Quốc có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, cơ quan thương vụ tại Trung Quốc phối hợp, hỗ trợ các địa phương biên giới phía Bắc cùng trao đổi với chính quyền địa phương phía bạn và các cơ quan chức năng có liên quan trong quá trình trao đổi, hội đàm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tăng cường phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương tổ chức các Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành phố và Hiệp hội, doanh nghiệp để phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương triển khai các Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc.
Cùng với đó, đăng tải trên trang web của bộ và gửi thông tin tới các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan thông tin báo chí để cùng phối hợp tuyên truyền, định hướng sản xuất, đưa hàng hóa lên khu vực cửa khẩu.
Liên quan tới việc phối hợp với các địa phương biên giới phía Bắc, ông Trần Quốc Toản cho hay: Bộ Công Thương đã trao đổi với chính quyền phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi và tăng thời gian thông quan đối với các loại nông sản đến thời điểm thu hoạch, đặc biệt là đối với các loại nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan; kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.
Nhằm khuyến cáo tới các Sở Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp, theo ông Trần Quốc Toản, Bộ Công Thương đã thường xuyên cập nhật tình hình tại khu vực cửa khẩu để kịp thời có các văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội, ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn để khuyến cáo tiếp tục triển khai một số nội dung.
Cụ thể như thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Đặc biệt, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...
Bên cạnh đó đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
Hơn nữa, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang các thị trường tiềm năng khác.
Đáng lưu ý, chủ động tham gia chương trình Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2021 để thực hiện kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn cần tăng cường các hoạt động kết nối với hệ thống phân phối trong nước như Sai Gon Coopmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, tập đoàn T&T, Post mart, Aeon, Mega Market… và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước cũng như tăng cường sản xuất, chế biến sâu nâng cao giá trị nông sản Việt; kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.