“Vùng vải an toàn dịch bệnh”
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, mặc dù tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, song do chủ động xây dựng kịch bản dự trữ, tiêu thụ hàng hóa ứng phó dịch bệnh COVID-19, nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch”; trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện truy vết thần tốc, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp theo phương châm “bốn tại chỗ”, vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân trên địa bàn.
Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ 20/5 - 10/6; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6 - 20/7/2021.
Ông Lê Ánh Dương khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động bởi dịch COVID-19; thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.
Đại diện tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn, Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản là ưu tiên số 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự chủ động, năng động, tích cực của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Đối với việc vận chuyển hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đến các tỉnh, thành khác trên toàn quốc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch.
Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, không chỉ riêng Bắc Giang, mà bất cứ bất kỳ tỉnh, thành nào có dịch đều phải tuân thủ đúng quy định. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Bắc Giang và các tỉnh có dịch thực hiện theo đúng hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Công Thương về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản của vùng có dịch.
Về việc tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tỉnh Bắc Giang lưu ý, theo quy định hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Bắc Giang nên cử một đầu mối là Sở Công Thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch đối với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Đồng tình với các ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương: Tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, hay Hải Dương, hỗ trợ bà con nông dân, đã, đang và sẽ luôn luôn là ưu tiên số một của Bộ. Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt chú ý xây dựng quy trình xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương và các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp bảo đảm nguồn cung lưu thông thông suốt các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và cung ứng nguyên liệu đầu và tiêu thụ các sản phẩm đầu ra.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ như Cục Xúc tiến thương mại; Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường nước ngoài… làm việc với các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương hướng hỗ trợ duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc.
Về phía tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng ngay các kịch bản và cũng đề xuất số lượng cụ thể, danh mục hàng hóa cụ thể, dịch vụ cần thiết, dự báo tình huống xấu hơn thì cần những dịch vụ hàng hóa gì là bao nhiêu. Từ đó, Bộ sẽ có căn cứ để cân đối và kết nối với các địa phương và các doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời.
“Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết sức trong chức năng nhiệm vụ của mình để giúp kết nối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Bắc Giang trong mọi hoàn cảnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Vải thiều Bắc Giang là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị lớn cả về thương hiệu sản phẩm cũng như đem lại thu nhập cho người dân. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng nêu rõ: “Vải thiều Bắc Giang đã vào mùa, có giá trị rất lớn, tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trực tiếp lên Bắc Giang bàn bạc với địa phương để có giải pháp cụ thể”.
Tính đến ngày 24/5, toàn Bắc Giang đã thu hoạch và tiêu thụ được hơn 2.000 tấn vải chín sớm với giá bán dao động từ 16.000 - 27.000 đồng/kg. Vải thiều sớm tập trung chủ yếu tại xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) và huyện Lục Ngạn. Hơn một nửa số lượng vải đã thu hoạch được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, số còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Nam.