Bỏ con dấu, doanh nghiệp lúng túng

Đã gần 2 tháng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn nên các hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hầu như vẫn thực hiện như cũ. Những quy định mới được cho là có nhiều đột phá đang khiến doanh nghiệp (DN) lúng túng.

Lo lắng có rắc rối

Theo các DN, trong số các quy định mới và đột phá nhất phải kể đến con dấu. Trước đây, con dấu chỉ có một hình thức chứng nhận tính hợp pháp của văn bản, hợp đồng của DN và do cơ quan công an cấp. Vì thế, con dấu được xem như là tài sản của công ty. Thế nhưng, theo Luật Doanh nghiệp mới thì con dấu giờ chỉ là biểu trưng của công ty chứ không phải tài sản, một công ty có thể tạo hàng chục con dấu. “Thậm chí luật mới quy định văn bản của DN gửi cho DN không cần phải đóng dấu nên khó xác định văn bản đó có tính hợp pháp hay không. Bởi hiện nay, đến 99% các biểu mẫu, quy định của các luật có liên quan buộc văn bản của DN phải đóng dấu. Do vậy, nếu nhận một văn bản của đối tác mà không có dấu, chúng tôi lo rằng sẽ có rắc rối sau này”, ông Trần Quốc Cường, Tổng Giám đốc Công ty Iconix, tỏ ra lo lắng.

Chữ ký số mới chỉ thí điểm trong thủ tục thuế giữa doanh nghiệp với một số cơ quan hành chính.Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Bà Nguyễn Thu Hoài, Tổng Giám đốc KhoThi Group, cũng quan ngại khi cho rằng Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 giao quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cho DN, đồng nghĩa là buộc DN đối tác phải tự xác định và đối chiếu mẫu dấu trong hợp đồng có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, vấn đề này DN bình thường không đủ trình độ để thẩm định. Lâu nay, DN quen với việc sử dụng thống nhất một mẫu con dấu chung do công an cấp, nên việc đối chiếu dễ dàng hơn. Nay luật cho phép DN được tự tạo mẫu dấu, thì mẫu dấu có những dấu hiệu, ký hiệu riêng mà chỉ có DN đó mới biết được. Một khi con dấu không xác định rõ thì nguy cơ bị lừa trong các hợp đồng, giao dịch là rất cao.

Hiện nay, CKS mới chỉ áp dụng thí điểm trong việc làm thủ tục thuế, hải quan, giữa DN với một số cơ quan hành chính ở TP Hồ Chí Minh. Tới đây, Sở KHĐT sẽ triển khai mở rộng CKS cả giữa DN với nhau nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các giao dịch điện tử, đồng thời tiến tới thay thế cho con dấu DN.

Không chỉ DN hoang mang mà ngay cả cơ quan thực thi cũng bối rối. Thực tế, 24 quận huyện của TP Hồ Chí Minh đã nhiều ngày họp về các vấn đề cải cách môi trường kinh doanh, liên quan đến Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhưng kết quả là cả DN lẫn cán bộ vẫn rối. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Có rất nhiều điểm chúng tôi rất bí, không biết đường nào mà lần. Chúng tôi cũng đã tìm đủ mọi cách để DN tiếp cận được, đặt vấn đề với Sở Kế hoạch Đầu tư của thành phố nhưng ai cũng lúng túng, không làm được". Theo ông Minh, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã ban hành từ tháng 11/2014 mà đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) không ra được Nghị định, Thông tư hướng dẫn nào. “Cuối tháng 6, Bộ KHĐT được giao phải có công văn hướng dẫn tạm thời, nhưng cả một bộ luật quan trọng như vậy thì hướng dẫn tạm thời làm sao được?", ông Minh chia sẻ.

Giải pháp chữ ký số

Trước việc DN lúng túng về quyền được quyết định con dấu, Sở KHĐT TP Hồ Chí Minh khuyến nghị DN nên ứng dụng chữ ký số (CKS) trong các văn bản, hợp đồng vì CKS có thể thay cho phương thức truyền thống là ký tên - đóng dấu.

Thế nhưng, ông Phạm Vũ Trường An, đại diện một DN về sản xuất bóng đèn tiết kiệm năng lượng tại TP Hồ Chí Minh, bày tỏ lo ngại về tính bảo mật của CKS. “Khi con dấu DN hay CKS bị giả mạo thì ai đứng ra bảo vệ pháp lý cho chúng tôi. Trước đây, khi mất con dấu còn có công an giải quyết. Bây giờ, con dấu lẫn CKS đều thuộc về trách nhiệm DN. Như vậy, rủi ro quá lớn nếu cả hai không được bảo mật”, ông An nói.

Giải thích về vấn đề này, bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở KHĐT TP Hồ Chí Minh, cho biết việc sử dụng CKS là không chỉ thuận lợi cho các cơ quan hành chính mà cho cả DN, đồng thời phù hợp với xu thế hiện nay. Thực tế, đã có hơn 115.000 DN tại TP Hồ Chí Minh đang sử dụng CKS.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, cho biết, toàn bộ dữ liệu hiện nay là điện tử, nên để bảo vệ bí mật dữ liệu cho DN và đảm bảo cơ sở pháp lý về quá trình xuất khẩu, nhập khẩu thì việc ứng dụng CKS là an toàn và hiệu quả nhất. Trong những buổi đối thoại với DN, Cục Hải quan thường xuyên đề nghị với các giám đốc DN chuyển dần sang sử dụng CKS để khi tham gia thủ tục hải quan điện tử được thuận lợi. Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng kiến nghị nên nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính bảo mật cho CKS khi cấp cho DN. Hơn nữa, phải xác định người được cấp CKS phải đủ thẩm quyền về pháp lý. “Việc này để tránh trường hợp như trước đây khi yêu cầu các giám đốc DN thì sau đó các vị này lại thoái thác giao cho trưởng phòng, trưởng phòng lại giao CKS cho nhân viên, do đó khi xảy ra vấn đề pháp lý thì sẽ nảy sinh vướng mắc”, ông Nghiệp cho biết.

Hải Yên
Gỡ khúc mắc trong Luật Doanh nghiệp
Gỡ khúc mắc trong Luật Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải tự kê khai ngành nghề đăng ký kinh doanh; một số ngành nghề kinh doanh mới chưa có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam hay vấn đề con dấu… được cho là những điểm còn hạn chế, gây khó cho doanh nghiệp khi triển khai Luật Doanh nghiệp từ 1/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN