Nhiều năm nay diện tích cây thanh long ở Bình Thuận liên tục phát triển ồ ạt. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha thanh long với sản lượng gần 500.000 tấn/năm. Trong khi diện tích thanh long ngày càng tăng mạnh, còn thị trường xuất khẩu không được mở rộng, thì giá thanh long rớt thê thảm.
Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Vài năm trước, khi trái thanh long được phép vào thị trường Đức, Anh và đặc biệt là vào Mỹ, người nông dân ở Bình Thuận háo hức đón chờ những chuyến hàng vượt trùng dương. Tuy nhiên, với hàng rào kĩ thuật khắt khe, việc xuất thanh long đi Mỹ và các nước châu Âu gặp rất nhiều khó khăn và nhiêu khê.
Đầu ra của trái thanh long vẫn chưa ổn định. |
Chính vì vậy, trong năm 2010, Bình Thuận chỉ xuất sang Mỹ được 48 tấn thanh long trên tổng số 30.000 tấn được xuất đi chính ngạch (kể cả các nước châu Á). Điều đáng nói là sản lượng hơn 400.000 tấn/năm, tỷ lệ thanh long xuất khẩu theo diện chính ngạch chỉ chiếm 12%, tiêu thụ trong nước khoảng 15%, còn lại đều xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Theo ông Bùi Đăng Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận, việc xuất thanh long qua Trung Quốc dễ dàng hơn các nước khác. Một phần vì Trung Quốc khuyến khích chính sách mậu biên, chỉ cần chở thanh long ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là có người mua mà không cần bất cứ một thủ tục gì. Tuy nhiên, có một thực tế là khi nông dân càng trúng mùa, bạn hàng Trung Quốc lại càng “bỏ lơ”, không tận tình thu mua và “ép” giá. Năm 2010, nhiều nông dân Bình Thuận giàu lên nhờ trái thanh long, nhưng tới năm nay lại có hàng chục doanh nghiệp rơi vào thua lỗ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp “tán gia bại sản” Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Bình Thuận phải thốt lên: “Không dám cho các doanh nghiệp buôn thanh long sang Trung Quốc vay tiền nữa”.
Ông Nguyễn Ngọc Hai - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận thừa nhận: “Mỗi năm thanh long xuất sang Trung Quốc cứ sau vài đợt lại đột ngột tụt giá hoặc không có ai mua, khiến nông dân và các doanh nghiệp hết sức điêu đứng”. Bà Nguyễn Thị Ngọc – chủ doanh nghiệp thanh long Hiếu Ngọc ở huyện Hàm Thuận Nam, chuyên bán thanh long sang Trung Quốc, cho biết: “Giữa tháng 5 vừa qua, hàng trăm xe tải, container chở trái thanh long phải nằm chờ ở cả hai bên biên giới, do không bán được hàng. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ mỗi container vài chục đến cả trăm triệu đồng, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không chịu mua với lí do: Không ăn trái cây nữa”.
Trong khi giá thanh long rớt thê thảm, giá trong tháng 7/2011 chỉ còn 2.000 đồng/kg (so với năm ngoái giảm gần 7.000 - 8.000 đồng/kg), thì diện tích thanh long tại Bình Thuận vẫn ngày mở rộng và phát triển một cách tự phát. Nguy cơ trái thanh long rơi vào khủng hoảng thừa đang đến rất gần.
Ồ ạt lấp ruộng trồng thanh long
Theo kế hoạch, đến năm 2015, Bình Thuận sẽ phát triển thanh long đạt 15.000 ha. Thế nhưng, đến nay Bình Thuận đã đạt xa kế hoạch trước 4 năm ngoài dự kiến. Trong khi đó, hai tỉnh nhiều thanh long thứ hai và ba của cả nước là Tiền Giang và Long An cũng chỉ phát triển khoảng 6.000 ha. Theo Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận - ông Bùi Đăng Hưng, thì diện tích thanh long thực tế tại Bình Thuận chưa thống kê còn lớn hơn nhiều.
Các hộ dân trồng thanh long cho rằng, so với trồng lúa, chi phí đầu vào chỉ chiếm 1/3 và đầu ra lợi nhuận cao hơn gấp 30 lần. Cụ thể, nếu làm 2 sào ruộng, một năm lời nhất cũng chỉ được 3 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhưng với thanh long, mỗi năm sẽ thu được 100 triệu đồng nếu giá thanh long khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Chính vì vậy, liên tục thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã lấp ruộng chuyển sang trồng thanh long. Ngay cả trong năm nay, giá thanh long giảm mạnh nhưng người dân vẫn chấp nhận chuyển đổi, mở rộng diện tích thanh long, nổi cộm là huyện Hàm Thuận Nam.
Ông Trần Văn Ngọc - Trưởng Phòng NN&PTNT Hàm Thuận Nam, cho biết: “Trung bình mỗi năm có khoảng 200 ha đất lúa bị thu hẹp để chuyển sang trồng thanh long. Đến nay, diện tích thanh long toàn huyện đã lên tới 7.500 ha, trong khi diện tích lúa chỉ còn 4.500 ha.
Có một tồn tại là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thanh long vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển diện tích ở một số vùng tập trung chuyên canh. Đó là chưa kể công nghệ đóng gói và bảo quản lại quá đơn giản, khâu lưu thông vận chuyển tiêu thụ sản phẩm thanh long cũng bất cập. Thêm nữa, nhận thức về sản xuất an toàn của một bộ phận người dân còn hạn chế, trong khi hàng rào kỹ thuật luôn được các nước sẵn sàng dựng lên nếu sản phẩm bị nghi ngờ. Ông Bùi Đăng Hưng lo ngại: “Đầu ra của trái thanh long không ổn định, nhưng hiện vẫn có nhiều người đầu tư trồng mới. Nếu thời gian tới tình hình xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của trái thanh long không được cải thiện, giá thanh long có lẽ sẽ bán rẻ như cho”.
Bài và ảnh: Hải Yên