Bình Thuận: Đưa nước về vùng đất “ít mưa nhiều nắng”

Sau khi tái lập tỉnh năm 1992, nền kinh tế - xã hội Bình Thuận gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng. Xác định thủy lợi là biện pháp hàng đầu cho các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tỉnh Bình Thuận đã đeo bám quyết liệt mục tiêu ấy. Đến nay, sau 20 năm xây dựng nâng cấp thủy lợi, Bình Thuận từ một tỉnh khô hạn nhất - nhì trong cả nước, ít mưa nhiều nắng, đã trở thành một tỉnh cơ bản chủ động nguồn nước, tạo cơ sở vững chắc để phát triển nhanh nền kinh tế.

Dẫn thủy nhập điền

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (NN&PTNT), hơn chục năm về trước, đây là ước mơ của hàng chục nghìn hộ nông dân ở vùng đất ven sông La Ngà, thuộc địa phận Bình Thuận. Đất đai rộng lớn, nhưng thiếu công trình thủy lợi nên hơn 20.000 ha trong khu vực, mỗi năm bà con chỉ gieo trồng được một vụ. Bình Thuận xác định muốn phát triển nông nghiệp phải xây dựng hệ thống thủy lợi và hơn 10 năm qua tỉnh không ngừng đầu tư các công trình thủy lợi. Đến nay, hệ thống thủy lợi Bình Thuận đã phát triển gần như toàn bộ ở các lưu vực sông chính với 280 công trình, gồm hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, kênh nối mạng, ao bàu, cống, bưng...

Một góc công trình thủy lợi hồ Sông Móng – huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.


Tổng dung tích chứa trên 200 triệu khối nước, phục vụ tưới cho khoảng 94.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho các ngành kinh tế trên 20 triệu khối/năm. So với năm 2001, diện tích tưới nông nghiệp đến nay tăng hơn hai lần và cấp nước cho các ngành kinh tế tăng hơn 8 lần; hệ số sử dụng đất nông nghiệp từ 0,98 lần năm 2005 lên trên 1,2 lần năm 2011; diện tích lúa chủ động nước tưới là 73.764 ha/110.000 ha chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo trồng lúa nước toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp phát triển khá nhanh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

So với năm 2000, sản xuất lương thực tăng 1,7 lần, nâng mức bình quân năm 2011 lên trên 495 kg/người/năm; doanh thu bình quân 1 ha đất canh tác từ 16,7 triệu đồng tăng lên 45 triệu đồng. Phải nói rằng, tỉnh Bình Thuận, nhờ phát triển toàn diện hệ thống thủy lợi, đã góp phần giữ vững an ninh lương thực, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy các ngành kinh tế quốc dân của tỉnh tăng trưởng. Bình Thuận đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa, kiên cố hóa kênh mương tổng cộng 122 công trình thủy lợi lớn nhỏ, với tổng mức đầu tư thực hiện là 1.910 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương; trong đó, đầu tư xây dựng mới 52 công trình, gồm 9 hồ chứa, 15 tuyến kênh nối mạng lớn nhỏ, 14 trạm bơm điện tưới, 13 đập dâng các loại cầu cống điều tiết. Nâng cấp tu sửa 40 công trình; kiên cố hóa kênh mương 22 dự án với hàng trăm km kênh kiên cố và 8 hệ thống tiêu thoát lũ, đê kè.

Đổi mới vùng khô hạn

Đi dọc tuyến kênh của Trạm bơm Tà Pao dưới cái nắng hanh gắt những ngày tháng tư, chúng tôi ngắm nhìn “no” mắt những cánh đồng bắp lai đang “ngậm sữa” kéo dài tít tắp. Dưới lòng kênh, trạm bơm điện này đang cần mẫn đẩy dòng nước mát của sông La Ngà về tận cánh đồng xã Nghị Đức. Phía cuối kênh, các xe múc đang hối hả đào, lắp đặt các tuyến ống nhánh để dẫn nước từ kênh chính vào các chân ruộng, kịp thời phục vụ ngay nước tưới cho vụ đông-xuân. Hơn chục năm trước, đó là bức tranh trong mơ của hàng chục nghìn hộ nông dân ở vùng đất ven sông La Ngà khô hạn nay màu mỡ do công trình thủy lợi đem lại. Tỉnh Bình Thuận đã đầu tư 17 trạm bơm điện ven sông La Ngà để tận dụng nguồn nước dồi dào, ổn định của dòng sông này nhằm mở rộng diện tích canh tác.

Ngành nông nghiệp phát triển mạnh nhờ hệ thống thủy lợi.

 

Hệ thống trạm bơm điện đã góp phần khai thác hơn 16.000 ha/22.500 ha đất sản xuất ở đồng bằng sông La Ngà từ một vụ bấp bênh lên ba vụ ăn chắc. Riêng trạm bơm Tà Pao đã phục vụ nước tưới ổn định ba vụ/năm cho 2.750 ha đất canh tác thuộc các xã Đồng Kho, Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Măng Tố, Đức Tân và Nghị Đức (huyện Tánh Linh) hơn bốn năm nay.

Đón đầu dự án dập dâng Tà Pao vừa được khởi công xây dựng hồi tháng 4/2010 và tận dụng tối đa hiệu quả của trạm bơm hiện hữu, Bình Thuận đang kéo dài tuyến kênh thêm 6.000 m để mở rộng diện tích cho khoảng 2.000 ha đất sản xuất của hai huyện Tánh Linh, Đức Linh. Công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Thuận đang gấp rút thi công đoạn kênh này, làm đến đâu đưa nước phục vụ sản xuất ngay đến đó. Nhờ vậy, ngay trong vụ đông-xuân này, nước từ trạm bơm Tà Pao đã cung cấp cho gần 500 ha lúa, đến vụ hè thu tới, sẽ bảo đảm mở rộng diện tích tưới thêm 2.000 ha.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tuân, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật Công ty KTCTTL Bình Thuận, cho biết thêm: Tuyến kênh của trạm bơm Tà Pao hiện hữu được thiết kế đồng nhất với tuyến kênh chính bắc của dự án đập dâng Tà Pao đang thi công. Khi phần đập đầu mối của công trình này hoàn thành, chỉ đấu nối vào tuyến kênh hiện có là phát huy ngay tác dụng. Lúc ấy, trạm bơm điện Tà Pao cũng sẽ hoàn thành “sứ mệnh vẻ vang” của nó. Đáng đề cập hơn về sự năng động, sáng tạo của Bình Thuận trong việc tận dụng tối đa các nguồn nước là thực hiện “nối mạng” thủy lợi. Đó là việc đào kênh chuyển nước từ lưu vực thừa sang lưu vực thiếu, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô ở một số vùng trong tỉnh. Đến nay đã thực hiện chín tuyến kênh “nối mạng” thủy lợi như thế, tiêu biểu như kênh tiếp nước sông Lũy về hồ Cà Giây; kênh tiếp nước 812-Châu Tá-Sông Quao tận dụng nguồn nước dồi dào sau thủy điện Đại Ninh. Tỉnh đang tiếp tục thi công tuyến kênh tiếp nước từ Biển Lạc (huyện Tánh Linh) về Hàm Tân. Khi thông dòng, nguồn nước từ Biển Lạc sẽ được đưa về phục vụ nước tưới cho 1.500 ha đất sản xuất ở huyện Hàm Tân và gần 1.535 ha các khu công nghiệp phía nam tỉnh. Khi đập dâng Tà Pao hoàn thành, hồ Biển Lạc sẽ được tiếp thêm lưu lượng nước khoảng 12 m3/giây từ kênh chính nam của công trình này. Lúc ấy, tuyến kênh “nối mạng” Biển Lạc - Hàm Tân sẽ tiếp tục kéo dài đến tận huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước mở rộng thêm diện tích sản xuất từ 8.000 - 10.000 ha và bảo đảm nguồn nước phát triển công nghiệp trong khu vực.

Thành tựu nổi bật nhất là sản xuất lương thực toàn tỉnh tăng liên tục từ 385.396 tấn (năm 2001) lên 426.607 tấn (2005) và lên 640.000 tấn (2010), góp phần đưa sản lượng lương thực giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 7,1%/năm (giai đoạn 2001-2005 chỉ tăng 3,7%/năm). So với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra là 500.000 tấn vượt hơn 140.000 tấn.

Có nước từ công trình thủy lợi, diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả ở Bình Thuận cũng tăng nhanh, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Vượt trội hơn cả vẫn là cây thanh long. Với diện tích đã có hơn 13.000 ha, thanh long trở thành cây làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân ở Bình Thuận, trong đó có nhiều nông hộ có thu nhập rất cao từ cây trồng này, không ít người đã xây được nhà cao tầng, mua sắm ô tô và nhiều vật dụng cao cấp khác… Dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn Bình Thuận đầu tư xây dựng 13 công trình mới và các dự án thủy lợi nhỏ ở miền núi; tu sửa, nâng cấp 11 hồ, bàu và kiên cố hóa khoảng 500 km kênh mương, giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở phía bắc tỉnh, cải tạo môi trường sinh thái ở nhiều vùng và phục vụ nước cho nhiều ngành kinh tế khác… Đặc biệt, khi hệ thống thủy lợi được hình thành sẽ có thêm các trục đường giao thông liên xã, liên huyện, tạo thuận lợi trong việc đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa của nhân dân ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Các hồ thủy lợi lớn ở Bình Thuận như Sông Quao, Cà Giây, Lòng Sông… đang là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan. Là một tỉnh Nam Trung bộ khô hạn, ít mưa thừa nắng sẽ trở thành tỉnh phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới từ nguồn nước và đập hồ chứa của địa phương mình.

Bài và ảnh: Dương Hồng Lâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN