Theo các kết quả công bố, trong 5 chỉ số của tỉnh Bình Thuận, có 3/5 chỉ số là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với thủ tục hành chính công (SIPAS) đã có sự cải thiện hơn so với năm 2022.
Đặt biệt, trong năm 2023, chỉ số PCI Bình Thuận đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2022. Bình Thuận đứng trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Chỉ số PCI năm 2023 của Bình Thuận là năm đạt được thứ hạng cao nhất trong gần 15 năm qua.
Tuy nhiên, tỉnh cũng có 2 chỉ số giảm. Đó là Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), dù có cải thiện điểm số nhưng lại giảm thứ hạng (đạt 81,87/100 điểm, tăng 2,42 điểm - xếp thứ 61/63 tỉnh, thành và giảm 1 bậc so với năm 2022); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm điểm số và thứ hạng so với năm 2022 (đạt 42,47/80 điểm, giảm 2,07 điểm - xếp thứ 29/63 tỉnh, thành và giảm 22 bậc so với năm 2022).
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, cần thẳng thắn nhìn nhận, ngoài các nguyên nhân khách quan; trong đó, phần lớn là trách nhiệm, sự chủ quan của các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong hoạt động quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ được giao để cải thiện các chỉ số chưa thật sự sâu sát, chưa đáp ứng mong muốn, nhu cầu và sự hài lòng, tín nhiệm của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ, đánh giá khách quan những những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân về một số chỉ số của tỉnh còn thấp. Theo đó, vai trò người đứng đầu và cán bộ, công chức có liên quan trong các lĩnh vực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp chưa quyết tâm, chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra để xây dựng kế hoạch hành động khắc phục.
Hoạt động kiểm tra, đánh giá mức độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu của cơ quan chủ quản có liên quan và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sâu sát, chưa kịp thời đề ra giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế chỉ ra qua kết quả các chỉ số…
Để triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị sáng tạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ cải thiện các chỉ số hằng năm của tỉnh; gương mẫu, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của ngành, địa phương về cải thiện điểm số các chỉ số của tỉnh. Đồng thời, tập trung cải thiện tăng điểm số các tiêu chí, tiêu chí thành phần mà kết quả không đạt điểm hoặc chưa đạt điểm so với điểm chuẩn, khắc phục ngay các tiêu chí giảm điểm, giảm thứ hạng so với các năm trước.
Các sở, ngành, địa phương chủ động bố trí, phân công công chức thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và chuyển đổi số; bố trí nguồn lực về kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo điều kiện tốt nhất khi thực thi công vụ và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các dịch vụ công trực tuyến, kịp thời đề xuất sửa đổi những quy trình, thủ tục chưa phù hợp, chưa sát thực tế, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng...
Các sở, ngành được giao nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp các chỉ số chung và chỉ số thành phần trên các lĩnh vực của chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI, PGI tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vị quản lý, gắn với việc cải thiện các chỉ số trong năm 2024 của tỉnh. Cùng đó, đề xuất chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan không thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao về cải thiện các chỉ số của tỉnh.