Bình Phước 'gồng mình' cứu cây trồng trong cơn hạn

Từ đầu năm đến nay, nguồn nước ở các đập, ao, hồ, khe suối trên địa bàn tỉnh Bình Phước cạn kiệt dần khiến nông dân rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cùng nông dân đã chủ động nhiều giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán kéo dài.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Bù Đăng chủ động nước tưới cho cây trồng. 

Tại huyện biên giới Bù Đốp, nắng hạn nhiều ngày khiến nguồn nước của người dân đang dùng cạn kiệt dần; mực nước tại các hồ, đập xuống thấp. Đập M26 ở xã Phước Thiện, với thiết kế hồ có dung tích trên 220.000m3, cung cấp nước sản xuất cho hơn 200 ha lúa và cây trồng khác, do nắng nóng nên nước rút nhanh, hiện tỷ lệ lượng nước còn lại so với dung tích toàn bộ đập dưới 23%. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bình ở gần đập M26 cho biết, từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, chưa năm nào nước trong đập lại rút nhanh đến vậy. Do nắng gay gắt nên một số diện tích đất trồng lúa nơi đây bị bỏ hoang, một số hộ xa đập nước cũng phải đào thêm giếng để có nước sinh hoạt, tưới tiêu.

Cũng ở huyện Bù Đốp, gia đình anh Trương Văn Nghiệp ở xã Tân Tiến có hơn 2.000 trụ tiêu đang phải “vật lộn” với cái nắng kéo dài từ đầu năm đến nay, tốn kém hàng chục triệu đồng. Anh Nghiệp cho biết: “Từ tháng 12/2019, gia đình tôi đã tưới cho cây tiêu rồi. Đến nay, do thời tiết nắng nóng nên đã tưới tổng cộng 5 lần với chi phí hơn 10 triệu đồng. Giá tiêu trong những năm gần đây liên tục xuống thấp khiến nhiều hộ dân trồng cây này bỏ bê chăm sóc, nhất là mùa khô ít tưới nước là tiêu dễ chết, sâu bệnh. Riêng gia đình tôi vẫn tưới cho cây tiêu, không để cây chết".

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều hộ gia đình xung quanh nhà anh Điểu Ngọc Thanh ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, phải “gồng mình” chống hạn. Nhiều nhà nông “đầu hàng” vì không đủ nguồn lực đầu tư cứu các vườn cây. Gia đình anh Điểu Ngọc Thanh có khoảng 1 ha cà phê đang héo vàng lá do đã cạn kiệt nguồn nước tưới từ mấy tuần qua. Do đã có đầu máy nổ sẵn mua năm trước, đầu mùa khô, gia đình anh Thanh đầu tư thêm 4 cuộn ống tải nước với số tiền gần 5 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, gia đình tưới liên tục 3 đợt nhưng đến nay ao đã cạn nước. Anh Thanh cho biết: “Năm nay nắng nóng gay gắt khiến ao nhà tôi cạn kiệt nước, gia đình mới chỉ tưới được ba lần. Bây giờ cây cà phê đang héo dần vì thiếu nước. Vài ngày tới gia đình đang bàn mua nước giếng khoan hàng xóm để tiếp tục tưới cứu vườn cây". 

Nhận định tình hình khô hạn kéo dài, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước đã có công văn khẩn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng, chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, nhu cầu dân sinh mùa khô năm 2019-2020. Trong đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình dẫn và trữ nước; rà soát các khu vực có khả năng thiếu nước, xây dựng kế hoạch phòng, chống và giải pháp cấp nước trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt. Trên cơ sở cân đối nguồn nước, cần có biện pháp hướng dẫn nhà nông gieo trồng, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý tùy theo địa bàn. Đối với những vùng không đảm bảo nguồn nước suốt vụ, khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định thu nhập. 

Trước thời tiết bất lợi, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng các nguồn nước có thể để tưới cây trồng, hạn chế tối đa thiệt hại cho cây trồng do mực nước trên các hồ đập đang ở mức thấp. Để ứng phó với khô hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã tổ chức nạo vét, nâng cấp, sửa chữa nhiều hệ thống, công trình thủy lợi. Điển hình ở hồ chứa Bù Nôm, huyện Bù Đăng, sau khi tiến hành nạo vét và đầu tư xây dựng, nâng cấp, đến nay công trình đã phát huy tốt công năng trong việc khai thác nguồn nước tưới phục vụ sản xuất của người dân. Đồng lúa Bù Môn với diện tích trên 50 ha đã được "giải khát". Đồng thời, các hộ dân xung quanh có điều kiện khai thác nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè với diện tích trên 1,6 ha. Ngoài ra, với lượng nước ổn định quanh năm, hồ còn cung cấp nguồn cho nhà máy nước tập trung để phục vụ sinh hoạt trên 1.000 hộ dân thị trấn Đức Phong và xã Đoàn Kết với công suất 3.600 m3/ngày đêm.

Riêng tại công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh, Công trình thủy lợi sau Cần Đơn ở huyện Bù Đốp cũng được vận hành liên tục nhằm đảm bảo phục vụ nước tưới cho khoảng 1.000 ha diện tích lúa và cây trồng tại địa phương. Để ứng phó với hạn hán hiện nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ thủy lợi Bình Phước đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp tổ chức xả nước luân phiên từ kênh N1 đến kênh N18. Trung bình mỗi ngày xả nước ra 4 kênh với lưu lượng xả tối thiểu từ 2 m3/giây, để kịp thời phục vụ sản xuất cho các xã Tân Thành, Tân Tiến, thị trấn Thanh Bình và một phần xã Thanh Hòa. 

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: Trước tình hình hạn hán dự báo rất nghiêm trọng, tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thị rà soát lại những cây trồng có khả năng thiếu nước trong mùa khô để có các giải pháp tiếp theo. Hiện nay, tỉnh Bình Phước chủ yếu thiếu nước trên vườn cây tiêu, cây ăn trái và rau màu. Các địa phương cũng đang rà soát lại để hỗ trợ người dân, trước tiên có thể tận dụng nguồn nước tại chỗ. Người dân cần trữ nước bằng phương pháp tưới tiết kiệm nước và kéo dài chu kỳ tưới như có biện pháp rải cỏ tủ gốc, giữ ẩm cho cây là việc làm trước mắt. Nếu nơi nào thiếu nước tỉnh sẽ chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ thủy lợi Bình Phước bổ sung nước để bà con có điều kiện khai thác nước phục vụ tưới tiêu. 

Trận "mưa vàng” xuất hiện trên diện rộng vào đêm 8/4 đã góp phần "giải nhiệt" sau nhiều tháng trời nhà nông "gồng mình" chống hạn cứu vườn cây trồng trên vùng đất đỏ Bình Phước. Tuy vậy, theo kinh nghiệm thực tế của bà con nhà nông, các trận mưa đầu mùa chưa "thấm tháp" vì mùa hạn hán năm nay dự báo còn diễn biến khốc liệt.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Giảm thiệt hại do hạn mặn từ chuyển dịch mùa vụ
Giảm thiệt hại do hạn mặn từ chuyển dịch mùa vụ

Hạn mặn trong mùa khô 2019 – 2020 được cho là ở mức kỷ lục về cả mức độ khốc liệt đến ảnh hưởng về diện tích cây trồng, chiều sâu của mặn xâm nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN