Hòa chung với khí thế đó, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp đã có những chia sẻ về giải pháp cụ thể mang tính hệ thống, khắc phục khó khăn, tận dụng mọi thời cơ cho công cuộc phát triển đất nước nhanh, bền vững, vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
*Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị:
Năm 2025 cũng là thời điểm để toàn ngành xây dựng quyết tâm tăng tốc, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, hòa mình vào tâm thế tự tin của đất nước, Đảng, Chính phủ bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Toàn ngành xây dựng, các đơn vị thuộc diện cơ cấu sắp xếp lại hay không thuộc diện sắp xếp lại vẫn phải chủ động, tập trung để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2022-2030 và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành xây dựng đến năm 2030.
Ngành xây dựng sẽ tập trung cao nhất cho công tác sắp xếp bộ máy, tinh gọn mạnh, hiệu năng hiệu quả trong hoạt động; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương này.
Mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu quyết liệt trong quá trình thực hiện, bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, hiến pháp, pháp luật và thực tiễn. Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương.
Bộ máy sau sắp xếp phải vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, sau sắp xếp phải tốt hơn; không để bỏ trống các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ; không chồng chéo chức năng nhiệm vụ; không để ách tắc trong công việc, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nguyên tắc là một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, theo chức năng nhiệm vụ…
* Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam:
Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới được ban hành ngày 10/10/2023 được coi là điểm tựa để hiện thực hóa các chủ trương, quyết sách từng có để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong hội nhập.
Việt Nam đã có những doanh nghiệp vươn mình ra ngoài lãnh thổ và khẳng định được vị thế và uy tín như: Vinamilk, Viettel, Vingroup, FPT… Nhưng để “sánh vai” với các cường quốc thì cần có nhiều hơn nữa những thương hiệu mạnh. Bên cạnh các chiến lược phù hợp, nguồn vốn, trình độ nhân lực, trình độ quản lý… việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được xem là một trong những yếu tố then chốt để tạo nên những doanh nghiệp hùng mạnh có thương hiệu toàn cầu, góp phần đưa đất nước tiến xa và ngày càng hưng thịnh.
Đảng và Nhà nước coi việc xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội” là bởi văn hóa doanh nghiệp có mạnh thì doanh nghiệp mới mạnh và phát triển bền vững. Mỗi doanh nghiệp muốn tăng cường khả năng cạnh tranh, muốn phát triển bền vững, được khách hàng và đối tác nhớ đến thì cần phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, Văn hóa Kinh doanh có bản sắc riêng. Đó phải là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và văn hóa kinh doanh toàn cầu.
* Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
Cùng với cả nước, có thể nói đến nay ngành điện Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và yêu cầu đổi mới cấp thiết trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc dự kiến khoảng 82.400 MW, tăng 14 lần so với năm 2000 và tăng 3 lần so với năm 2010, đứng thứ nhất trong khu vực ASEAN. Hạ tầng lưới điện đã được tập đoàn đầu tư phát triển đồng bộ, vươn tới mọi miền đất nước, đồng thời hệ thống điện Việt Nam đã liên kết lưới điện để trao đổi điện với các nước trong khu vực. Hệ thống điện 500kV “xương sống” của hệ thống điện Việt Nam đã được bổ sung mạch 2, mạch 3. Lưới điện 500-220kV tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam được kết nối mạch vòng đảm bảo yêu cầu cung cấp điện an toàn và tin cậy.
EVN và các đơn vị chú trọng đầu tư cấp điện các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Đến nay, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,83%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,74%. Tập đoàn đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo, các đảo có vị trí chiến lược như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị về đảm bảo cung ứng điện và đầu tư phát triển hạ tầng điện, ngành điện đã thực hiện nhanh quá trình tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động sang cơ chế thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất điện. Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện, xây dựng các trung tâm điều khiển xa, trạm không người trực đối với 100% các TBA 110kV và 82% các TBA 220kV.
Đặc biệt, EVN đã hoàn thành thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với thời gian ngắn kỷ lục chỉ sau hơn 6 tháng thi công. Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị giải ngân vốn đầu tư vượt kế hoạch. EVN và các đơn vị rất nỗ lực thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 có lợi nhuận…