Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Bến xe Trung tâm thành phố Cần Thơ trong ngày 27, 28 Tết, số lượng hành khách qua bến vẫn khá ít, không hề có cảnh đông đúc như mọi năm. Tại một số nhà xe lớn ở Cần Thơ, hàng chục xe khách loại 16 và 45 chỗ, xe Limousine vẫn nằm trong bãi.
Theo các nhà xe, lượng vé bán ra chỉ khoảng 60% so với Tết năm 2021, thậm chí có công ty chỉ bán được từ 20 – 30% vé. Đại diện Công ty TNHH Xây dựng – Du lịch – Vận tải Vũ Linh (Công ty Xe khách Vũ Linh) ở quận Cái Răng cho biết, từ khi việc đi lại được nới lỏng, doanh nghiệp này cũng chỉ hoạt động được 30% số lượng phương tiện hiện có.
Để duy trì gần 200 đầu xe, mỗi tháng đơn vị phải tiêu tốn hết khoảng 1 tỷ đồng, đó là chưa kể lãi ngân hàng, chi phí mặt bằng, bến bãi. Dù khó khăn nhưng để vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, nhà xe vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là số lượng hành khách có nhu cầu di chuyển đã giảm mạnh so với các năm nước.
Theo bà Bùi Thị Cẩm Thi, thành viên Ban Điều hành Công ty Xe khách Vũ Linh, doanh nghiệp này đang hoạt động 6 tuyến từ thành phố Cần Thơ đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Dịp Tết 2022, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng, bảo trì, sửa chữa toàn bộ lượng xe hiện có để phục vụ hành khách. Thế nhưng, năm nay lượng vé bán ra giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 20 – 30%.
“Công ty chủ yếu kinh doanh xe Limousine, mỗi xe từ 9-11 ghế. Trước đó, thực hiện quy định giãn cách công ty chỉ vận chuyển được tối đa 7-9 ghế, việc này đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Hiện tại lượng khách cũng rất ít bởi nhiều người còn e ngại dịch bệnh nên có những chuyến xe chỉ bán được ba, bốn vé, thêm chi phí hai đầu bến, chi phí BOT nên công ty phải bù lỗ vì không đủ tiền trả cho tài xế cũng như nhiều bộ phận khác”, đại diện nhà xe Vũ Linh nói.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, lượng khách đi xe giảm vì năm nay nhiều người lựa chọn hình thức di chuyển về quê bằng xe máy thay vì xe khách. Mặt khác, một lượng lớn người dân ở các tỉnh miền Tây đã về tránh dịch trước đó, hiện vẫn chưa đi làm trở lại nên số người về quê đón Tết không nhiều.
Trò chuyện với phóng viên trong khi chờ đến giờ xe khởi hành, anh Quân ở quận Ninh Kiều cho biết, anh mua vé của nhà xe Phương Trang để về quê ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau với giá 231.000 đồng. Mức giá này hầu như không chênh lệch so với ngày thường.
Theo anh Quân, mọi năm để đặt vé xe về quê, anh phải gọi trước một tuần với giá tăng khoảng 40% nhưng năm nay, đến ngày làm việc cuối cùng anh mới đặt vé và khá bất ngờ khi chuyến xe còn trống khá nhiều chỗ.
Ngoài ra, một nam hành khách chia sẻ vì đã cho người bạn ở lại Cần Thơ mượn xe máy để đi làm thêm trong những ngày Tết nên anh phải đi xe khách về nhà. Ban đầu, do sợ dịch bệnh nên anh Quân cũng có ý định sẽ tự lái xe máy gần 250 km để về ăn Tết với gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Nghĩa, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang cho biết, mặc dù hoạt động vận tải hành khách được khôi phục, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Công ty Phương Trang cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lượng khách đi xe giảm rất nhiều do người dân có tâm lý e ngại sử dụng xe khách công cộng do sợ lây lan dịch, có khả năng bị lây nhiễm COVID-19.
“Nếu so với cùng kỳ năm ngoài thì số lượng đặt vé xe Tết của chúng tôi chỉ còn khoảng 60%. Riêng tuyến Cần Thơ – Thành phố Hồ Chí Minh trước dịch mỗi ngày có hơn 80 chuyến thì hiện tại chỉ còn khoảng 30 chuyến”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Sửu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ - đơn vị quản lý, khai thác Bến xe khách Trung tâm thành phố Cần Thơ, so với năm 2021, thời điểm này, lưu lượng khách qua bến xe chỉ đạt khoảng 30 – 40%. Đáng lưu ý, đến thời điểm hiện tại không có doanh nghiệp vận tải nào hoạt động tại Bến xe khách trung tâm thành phố Cần Thơ xin tăng giá vé xe trong đợt Tết Nguyên đán 2022. Một số nhà xe ủy nhiệm cho bến xe bán vé với giá bình thường, không tăng giá nhưng cũng không có khách đi.
Do vắng khách nên hiện chỉ khoảng một nửa doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở bến xe trung tâm Cần Thơ hoạt động. Một nhà xe có trụ sở ở tỉnh Cà Mau chạy tuyến Cà Mau - Cần Thơ trước đây hoạt động hơn 10 chuyến/ngày thì bây giờ chỉ còn lại duy nhất một chuyến. Bên cạnh đó, một số tuyến có lượng khách đi rất ít, các nhà xe duy trì hoạt động chủ yếu để chở hàng hóa nhưng cũng có chuyến lượng hàng cũng không đáng kể.
Cách đây một tuần, thành phố Cần Thơ đã cập nhật cấp độ dịch xuống cấp 1, hầu hết các tuyến vận tải hành khách cố định đã được khôi phục trở lại. Mặc dù dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại của người dân trong thời điểm cuối năm không nhiều như trước nhưng ngành chức năng của thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành kế hoạch vận tải để đảm bảo phục vụ kịp thời cho bà con trong những ngày trước, trong và sau Tết.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch vận tải hành khách trong dịp Tết Nguyên đán; trong đó tập trung vào các nội dung như tăng cường thêm phương tiện, tần suất, phục vụ bán vé nhiều khung thời gian khác nhau để phục vụ tốt nhất cho người dân, đảm bảo cho hành khách khi qua các bến xe, bến tàu được phục vụ chu đáo, đầy đủ, không ai là không có phương tiện về quê ăn tết.
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải thành phố yêu cầu đơn vị quản lý các bến xe, bến tàu cùng các đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi lên xe, tàu.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, thành phố hiện có tuyến xe khách cố định đi 38 tỉnh, thành phố; trong đó đang hoạt động 29 tỉnh với 107 tuyến. Các địa phương có tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đã hoạt động trở lại gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tiền Giang và Trà Vinh.